
Mùa hè thời tiết nắng nóng, cùng với việc là thời điểm nghỉ hè nên nhiều cha mẹ đưa trẻ đi bơi. Từ đó, nhiều trẻ gặp các vấn đề tai mũi họng, đặc biệt ở trẻ nhỏ là viêm họng, viêm tai giữa, viêm mũi, viêm mũi dị ứng với thuốc sát trùng nước bể bơi.
Bơi lội là môn thể thao giúp rèn luyện sức khỏe rất tốt. Tuy nhiên, đây cũng là nguyên nhân khiến trẻ phải nhập viện gia tăng do các bệnh tai, mũi, họng.
Nguyên nhân là do trẻ chưa có ý thức tự bảo vệ và chăm sóc tốt mỗi khi bơi. Nhiều trẻ gặp tình trạng sặc nước khi bơi. Đồng thời, ở những hồ bơi không đảm bảo điều kiện vệ sinh, nước bể bơi không sạch sẽ xâm nhập trực tiếp tai mũi họng. Mũi họng là nơi chịu ảnh hưởng đầu tiên của nguồn bệnh rồi mới đến các cơ quan khác bên trong như tai, xoang, thanh khí - phế quản, phổi, đường tiêu hóa… Từ đó, trẻ hay gặp tình trạng viêm mũi xoang, xuất tiết, trẻ viêm họng sau khi đi bơi.
Đặc biệt, những trẻ đang có các bệnh lý viêm mũi họng càng không nên đi bơi. Bởi việc đi bơi sẽ khiến tình trạng bệnh nặng lên đồng thời có thể lây truyền mầm bệnh sang người khác.

Cách phòng tránh bệnh về tai mũi họng khi bơi
Để bảo vệ sức khỏe cho con, phụ huynh cần lưu ý khi cho trẻ đi bơi:
- Chọn hồ bơi có nước sạch, chất lượng nước được bảo đảm, được thay nước định kỳ thường xuyên.
- Không nên đi bơi khi trẻ mắc các bệnh truyền nhiễm, trẻ viêm đường hô hấp, tai mũi họng hoặc mắt. Trẻ viêm tai giữa thì nên kiêng hoàn toàn hoặc nếu có đi thì cần sử dụng các dụng cụ để dự phòng như nút tai.
- Chọn bơi ở những nơi ít người, điều kiện vệ sinh tốt. Không nên bơi ở những hồ tập trung quá đông người. Có ý thức khi đi tắm chung, không khạc nhổ, không tiểu tiện trong hồ bơi.
- Sau khi bơi, chú ý sau khi tắm gội thì nên vệ sinh cho trẻ như nhỏ mắt, mũi, uống nước ấm.
- Không nên bơi với thời gian kéo dài (trẻ dưới 5 tuổi chỉ bơi dưới 30 phút, trẻ trên 5 tuổi chỉ bơi dưới 60 phút). Với bể bơi ngoài trời, tránh bơi lúc nắng nóng, buổi trưa và tối muộn.
Đầu tháng 6 vừa qua, một sự cố hy hữu đã xảy ra tại một bể bơi trên địa bàn thành phố Thanh Hóa. Trong lúc bơi, một cháu bé 8 tuổi bất ngờ bị mắc kẹt tay vào một đường ống nhựa thoát nước trong bể bơi… Ngay khi nhận được tin báo, Đội Chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực 1 đã nhanh chóng điều động lực lượng đến hiện trường để xử lý tình huống. Tại hiện trường, cháu bé trong tình trạng hoảng sợ, cánh tay bị mắc kẹt trong đường ống thoát nước của bể bơi. Sau khi trấn an tinh thần cháu bé, lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã sử dụng các phương tiện chuyên dụng, đưa cháu bé cùng đoạn ống nhựa lên bờ, sau đó tổ chức tháo dỡ phần ống để giải thoát cho cháu. Từ việc giải cứu bé trai bị kẹt tay trong ống thoát nước tại bể bơi, các cha mẹ lưu ý: - Lựa chọn bơi tại các bể thực hiện nghiêm các biện pháp bảo đảm an toàn, có lắp đặt hệ thống lưới chắn hoặc nắp bảo vệ tại các vị trí có đường ống thoát nước, hút nước để phòng ngừa tai nạn tương tự xảy ra. - Tăng cường giám sát, quản lý chặt chẽ con em mình khi tham gia các hoạt động vui chơi, bơi lội trong dịp hè, nhằm phòng ngừa tai nạn và bảo vệ an toàn cho trẻ. |
Bình luận