
Các vết da rắn hay xuất hiện ở chân và sẽ dễ nứt nẻ gây ngứa, đau rát khi trời lạnh hoặc không khí hanh khô. Mẹ bầu cần dưỡng ẩm, liên hệ với bác sĩ khi tình trạng trở nên nghiêm trọng.
Phương Dung
Da khô thành từng khoang, bong tróc, ngứa ngáy... là dấu hiệu thường gặp ở người gặp tình trạng “da rắn”. Tôi đang bầu thai đầu được 7 tháng và gặp tình trạng tương tự, đặc biệt ở phần chân.
Trong những tháng đầu mang thai, những vết “da rắn” xuất hiện ít, tôi cũng không quá lo lắng bởi nghĩ bà bầu nào cũng vậy, qua một thời gian sẽ đỡ. Tuy nhiên, cùng sự tăng lên của cân nặng và số tuổi thai kỳ, tình trạng “da rắn” càng thêm nặng. Những ngày thời tiết hanh khô, da bị nứt nẻ, bong tróc, tế bào da chết tích tụ thành các mảng ô vuông, vết nứt chạy dọc theo ống chân chuyển màu nâu sạm, không chỉ mất thẩm mỹ mà khiến tôi cảm thấy ngứa, rát.
Lo lắng khi nhìn các vết “da rắn”, tôi tìm đến chuyên gia da liễu và biết rằng đây là tình trạng khá phổ biển ở các mẹ bầu. Tình trạng “da rắn” có thể đến từ yếu tố di truyền, thời tiết, chế độ ăn uống chưa phù hợp cho mẹ bầu. Ngoài ra, các hormone thai kỳ cũng là nguyên nhân khiến da khô.
Tôi được tư vấn nên bôi kem dưỡng ẩm đều đặn mỗi ngày để ngăn ngừa tình trạng da bị mất nước mà còn tăng tốc độ phục hồi tổn thương trên da. Ưu tiên sản phẩm có nguồn gốc lành tính, phù hợp với loại da để tránh bị kích ứng và đạt được hiệu quả tốt nhất.

Ngoài ra, hàng tuần tôi kết hợp tẩy tế bào chết để loại bỏ phần da khô ráp, giúp da được thư giãn sâu hơn và tăng hiệu quả của các khâu dưỡng da.
Đặc biệt, tôi tăng cường bổ sung nước, cải thiện chế độ dinh dưỡng, nhất là các thực phẩm giàu vitamin C, D, E... có trong cam, cà chua, bưởi, bắp cải, đu đủ... để vừa cấp ẩm cho da, vừa giúp da tăng sức đề kháng để ngăn ngừa bệnh da rắn. Tôi uống tối thiểu 1,5-2 lít nước mỗi ngày để giảm thiểu tình trạng da bị khô nứt.