
Ở tuổi mới tập đi, các nhóc tì bắt đầu thể hiện cá tính theo cả hướng tích cực và tiêu cực, nhiều khi đẩy sức chịu đựng của cha mẹ tới hạn. Phải làm sao để phạt trẻ theo cách khoa học nhất?
An Khôi
Ở tuổi mới tập đi, các nhóc tì tràn đầy cá tính và muốn trải nghiệm đa dạng cảm xúc. Nhưng vốn từ vựng của con còn hạn chế, khiến việc diễn đạt cảm xúc trở nên khó khăn. Kết hợp với thực tế ở giai đoạn này, trẻ thường thể hiện sự bướng bỉnh khi bị từ chối, dẫn đến không ít bậc cha mẹ phải “than trời” vì con khó chiều quá.
Những hành vi nổi loạn thường gặp
Khi nhắc đến hành vi tiêu cực của trẻ, bạn có thể ngay lập tức nghĩ đến những cơn ăn vạ, bởi đây là cách thể hiện cảm xúc phổ biến. Theo Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP), tần suất và mức độ nghiêm trọng của các cơn ăn vạ có thể tăng lên trong suốt những năm đầu đời. Điều đó có nghĩa là bạn sẽ phải đối mặt với những hành vi như mè nheo, khóc lóc, đá, đấm, la hét và nhiều hành động khác.
Claire Goss, quản lý cấp cao về đào tạo và phát triển tại Bright Horizons - một tổ chức chăm sóc trẻ em trên toàn quốc, cho biết: “Việc ném thức ăn, đánh, cắn hay trốn thay tã đều là những hành vi cha mẹ khó chấp nhận, nhưng đây lại là hình thức giao tiếp rất điển hình của trẻ nhỏ”.
Nguyên nhân trẻ hành xử tiêu cực
Vậy điều gì gây ra những cơn bộc phát này? Jeff Yoo, chuyên gia trị liệu hôn nhân và gia đình tại Moment of Clarity Mental Health Center (Santa Ana, California), giải thích: “Trẻ nhỏ ‘nổi loạn’ phần lớn do gặp khó khăn trong việc giao tiếp và có thể đang thử nghiệm giới hạn xem điều gì là đúng - sai, hoặc điều gì được chấp nhận hay không”.
Bên cạnh đó, khi một đứa trẻ cắn bạn bè hoặc ném đồ ăn, bé đang tìm kiếm sự chú ý và hy vọng nhận được phản hồi. Hành vi chính là cách giao tiếp - một cách để trẻ thể hiện cảm xúc hoặc nhu cầu của mình.

Những nguyên nhân phổ biến gây ra các hành vi bộc phát ở trẻ nhỏ bao gồm:
- Chán chường
- Môi trường không thoải mái (Ví dụ quá nóng, quá lạnh, tã bẩn, quần áo chật…)
- Sợ hãi hoặc lo lắng
- Mệt mỏi
- Cảm giác buồn bã, thất vọng hoặc tức giận
- Đói bụng
- Bối rối vì thiếu thông tin, không hiểu một chuyện gì
- Sự thay đổi đột ngột nếp sinh hoạt
- Quá tải cảm xúc
Đôi khi, trẻ cũng có thể tái diễn hành vi tiêu cực bởi nó từng hiệu quả trong việc thu hút sự chú ý hoặc giúp đạt được điều bé muốn.
Khi nào nên bắt đầu kỷ luật trẻ?
Bạn nên rèn các hành vi tốt đẹp cho con ngay từ nhỏ. Ở độ tuổi sơ sinh, kỷ luật chủ yếu tập trung vào việc giữ an toàn cho trẻ. Khi trẻ bước vào giai đoạn tập đi, bé bắt đầu hiểu về thế giới xung quanh và cố thử nghiệm các giới hạn.
Không có thời điểm “hoàn hảo” để bắt đầu dạy dỗ trẻ. Đây là một quá trình tiến triển dựa trên tình yêu và sự tôn trọng. Mọi chiến lược đều hiệu quả hơn nếu được xây dựng trên nền tảng của một mối quan hệ ấm áp và nuôi dưỡng.
Hướng dẫn kỷ luật tích cực trẻ mới biết đi
Cần phân biệt giữa kỷ luật và trừng phạt. Kỷ luật mang tính giáo dục. Cha mẹ hãy xem mình như người hướng dẫn hoặc cố vấn, thay vì là một người trừng phạt. Dưới đây là một số mẹo hữu ích.
Chuyển hướng sự chú ý
Sau khi can thiệp vào một hành vi không đúng, hãy chuyển sự chú ý của trẻ sang hoạt động khác. Ví dụ: Nếu trẻ nhảy trên ghế sofa, hãy nghiêm túc nhắc nhở và dẫn trẻ đến khu vực đồ chơi để chuyển hướng sự chú ý.
Nói ngắn gọn
Trẻ nhỏ có thời gian tập trung rất ngắn, chỉ vài giây. Vì vậy, hãy đưa ra hướng dẫn ngắn gọn, chẳng hạn như: “Đừng kéo tóc mẹ, đau đấy!”.

Can thiệp ngay lập tức
Hãy can thiệp vào hành vi không phù hợp ngay khi nó xảy ra. Nếu chờ đợi quá lâu, con có thể không còn nhớ lý do tại sao bạn kỷ luật bé.
Khen ngợi hành vi tích cực
Hãy chú ý khen ngợi khi trẻ thể hiện hành vi tốt. Theo thời gian, trẻ sẽ nhận ra bé nhận được sự chú ý tích cực khi tuân theo các quy tắc.
Gọi tên cảm xúc trẻ đang có
Cha mẹ nên gọi tên và công nhận cảm xúc của trẻ một cách bình tĩnh. Ví dụ: “Mẹ biết dừng chơi rất khó chịu. Mẹ hiểu vì sao con buồn, nhưng đã đến giờ đi ngủ, chúng ta cần chuẩn bị nhé!”.
Áp dụng hậu quả hợp lý
Nếu trẻ không chia sẻ đồ chơi với bạn, cha mẹ có thể cất đồ chơi đó đi. Đây là một hậu quả trực tiếp và hợp lý liên quan đến hành vi của trẻ.
Tích cực nói và giao tiếp bằng mắt
Cha mẹ hãy lắng nghe tích cực và giao tiếp bằng mắt với trẻ, giữ tông giọng bình tĩnh. Đây là cách bạn làm gương cho hành vi mà bạn muốn con học theo.
Thử time-out (đếm ngược thời gian)
Trong một số trường hợp, bạn có thể đưa trẻ ra khỏi tình huống bằng cách cho bé khoảng thời gian đếm ngược hoặc đến một góc bình tĩnh. Thời gian “time-out” để bé trấn tĩnh lại nên tương ứng với độ tuổi của con (ví dụ: 1 phút cho trẻ 1 tuổi, 2 phút cho trẻ 2 tuổi).
Điều cần tránh khi kỷ luật trẻ
Cha mẹ nên tránh sử dụng lời lẽ gay gắt, gọi tên trẻ bằng những từ không hay, đánh, quát mắng hoặc đe dọa. Những hành vi này không chỉ gây tổn thương tâm lý mà còn dạy trẻ rằng việc đối xử tệ với người khác là chấp nhận được. Trẻ học cách cư xử từ những gì cha mẹ làm, vì vậy hãy luôn là tấm gương tích cực cho trẻ.
Theo thebump.com
Nếu bạn có câu chuyện muốn chia sẻ với cộng đồng cha mẹ của Đi Cùng Con, đừng ngần ngại gửi về địa chỉ email chiase@dicungcon.vn. Mỗi đóng góp của bạn đều rất quý giá và sẽ giúp ích cho rất nhiều người đấy! |