
Nhiều mẹ hay tranh thủ lúc con ngủ để lấy ráy tai, vì nghĩ đây là chất bẩn cần loại bỏ định kỳ. Tuy nhiên, ráy tai là một phần quan trọng trong cơ chế bảo vệ tự nhiên của tai, không bẩn như mẹ vẫn tưởng đâu.

Vai trò của ráy tai?
Ráy tai không phải chất thải của tai như nhiều người lầm tưởng, ngược lại đóng vai trò bảo vệ ống tai khỏi vi khuẩn, nấm và côn trùng, đồng thời giúp làm ẩm và bôi trơn ống tai.
Nói cách khác, ráy tai cũng tương tự nước mũi hay lớp dầu trên da. Chất này không bẩn, mà được xem là một phần trong cơ chế tự bảo vệ cơ thể.
Có cần lấy ráy tai định kỳ cho trẻ?
Tai con người - kể cả trẻ nhỏ, vốn có cơ chế tự làm sạch thông minh. Khi con nhai, nuốt hay cử động hàm, phần ráy tai sẽ dần được đẩy ra ngoài mà không cần can thiệp ngoại lực. Do đó, ráy tai hoàn toàn lành tính, không cần lấy ra định kỳ.
Việc lấy ráy tai chỉ nên thực hiện khi có chỉ định y tế rõ ràng, chẳng hạn:
- Ráy tai của con quá nhiều, đóng thành khối lớn, gây tắc ống tai.
- Trẻ có biểu hiện nghe kém, ù tai, đau tai hoặc ngứa tai kéo dài.
- Ráy tai gây cản trở việc khám tai (che mất màng nhĩ) hoặc chuẩn bị đo thính lực.
>> Đọc thêm: Có cần lấy ráy tai cho trẻ?
Lưu ý khi lấy ráy tai cho trẻ
Nhiều mẹ có thói quen dùng tăm bông hoặc móc nhỏ để ngoáy tai cho con tại nhà. Việc này tưởng chừng vô hại nhưng có thể làm tổn thương ống tai mỏng manh của trẻ. Trong một số trường hợp, việc dùng tăm bông sẽ đẩy ráy vào sâu hơn, tạo thành nút ráy (cerumen impaction), thậm chí gây chảy máu hay thủng màng nhĩ. Đặc biệt ống tai trẻ nhỏ thường hẹp và nông nên nguy cơ gặp tổn thương càng cao.
Trong trường hợp con cần làm sạch, cha mẹ nên đưa trẻ đến các cơ sở uy tín, để nhân viên y tế có chuyên môn thực hiện bằng dụng cụ chuyên biệt như kẹp nhỏ, thìa múc hoặc dùng phương pháp làm mềm ráy rồi bơm rửa bằng nước ấm. Cha mẹ tuyệt đối không tự xử lý tại nhà nếu chưa được hướng dẫn đúng cách.
Tóm lại, nếu tai con không có biểu hiện gì bất thường, mẹ cứ yên tâm để ráy tai “tự lo phần việc của nó”. Việc hiểu đúng về ráy tai sẽ giúp mẹ tránh can thiệp không cần thiết, đồng thời bảo vệ đôi tai non nớt của con tốt hơn.
"Từ điển làm mẹ" là thế giới "từ mới" và "thuật ngữ" chỉ những người làm mẹ mới hiểu. Nếu bạn đang hoặc sắp bước vào hành trình đảm nhiệm thiên chức thiêng liêng, hãy chia sẻ "từ điển" thú vị của riêng mình với cộng đồng Đi Cùng Con. Đừng ngần ngại gửi về địa chỉ email chiase@dicungcon.vn. Mỗi đóng góp của bạn đều rất quý giá và sẽ giúp ích cho rất nhiều người đấy! |
Bình luận