
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến triệu chứng táo bón trong thời kỳ mang thai. Trong đó, sự thay đổi của hormone, chế độ dinh dưỡng thiếu chất xơ hay ảnh hưởng của thuốc, thực phẩm bổ sung là những nguyên nhân thường gặp.
Ngọc Anh
Cơ thể mẹ bầu thay đổi không ít trước và trong quá trình mang thai. Trong đó, táo bón là một triệu chứng phổ biến, trung bình cứ 5 người sẽ có 2 người gặp phải trong thai kỳ.
Nếu mẹ bầu cảm thấy khó đi ngoài, đau rát hậu môn hoặc tần suất đại tiện giảm hơn so với lúc chưa có thai, khả năng cao bạn đang gặp tình trạng táo bón trong thai kỳ.
Vì sao mẹ bầu hay bị táo bón?
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này:
- Thay đổi hormone: Khi mang thai, các hormone trong cơ thể mẹ bầu có sự thay đổi như hormon thai kỳ hoặc progesterone khiến đường ruột hoạt động kém hiệu quả hơn, thức ăn di chuyển qua ruột chậm hơn, làm tăng nguy cơ táo bón.
- Thuốc/thực phẩm chức năng: Nhiều mẹ bầu khi bắt đầu mang thai sẽ dùng thêm các loại thực phẩm chức năng hoặc thuốc hỗ trợ cho thai kỳ. Một số loại thuốc thường được dùng trong giai đoạn này như thuốc trị buồn nôn, ợ chua có thể góp phần gây táo bón.
Bên cạnh đó, các vi chất cần thiết như sắt và canxi, cũng như một số vitamin tổng hợp có chứa các khoáng chất này cũng dễ gây tình trạng táo bón.
- Chế độ dinh dưỡng: Nếu mẹ bầu chỉ chú trọng bổ sung các loại thực phẩm bổ như đạm, vitamin mà bỏ quên chất xơ trong khẩu phần ăn hàng ngày cũng làm tăng nguy cơ gây táo bón.

- Tiền sử táo bón: Nếu trước khi mang thai, mẹ bầu đã gặp khó khăn trong việc đại tiện thì nhiều khả năng bạn sẽ tiếp tục mắc táo bón nặng hơn trong thai kỳ.
Chữa táo bón ở mẹ bầu ra sao?
Táo bón ở mẹ bầu không phải một tình trạng sức khỏe đáng báo động, song nó cũng có tác động xấu đến tinh thần, sức khỏe và chất lượng cuộc sống của thai phụ. Để ngăn ngừa táo bón, mẹ bầu có thể tham khảo những cách sau đây:

Bổ sung chất xơ và nước: Bước đầu tiên trong điều trị táo bón khi mang thai là gia tăng lượng chất lỏng và chất xơ trong chế độ ăn uống hàng ngày. Mẹ bầu nên tăng cường các loại ngũ cốc nguyên hạt, trái cây và rau quả để bổ sung chất xơ. Ngoài ra, đừng quên cung cấp đủ nước mỗi ngày. Một cốc nước ấm trong bữa sáng có thể thúc đẩy hoạt động ruột và giúp mẹ bầu đi ngoài dễ dàng hơn.
Luyện tập thói quen: Những thói quen sinh hoạt tốt, điều độ sẽ giúp cơ thể quen dần với việc “giải quyết nỗi buồn” đều đặn mỗi ngày. Mẹ bầu có thể tập ngồi trong toilet khoảng 20 phút sau bữa ăn (dù không buồn ị), tư thế ngồi đặt chân lên ghế con, nghiêng người về trước, hai chấn dang rộng và lưng thẳng sẽ giúp bạn dễ đi ngoài hơn.
Kiểm tra lại các loại TPCN, thuốc nạp vào cơ thể: Trong thành phần của các loại thuốc, TPCN hay vitamin tổng hợp cho mẹ bầu có thể chứa chất gây táo bón. Bạn nên chú ý nếu tình trạng táo bón tăng nặng, đau rát hậu môn hoặc tiêu ra máu trong thai kỳ. Hầu hết các thuốc nhuận tràng không hấp thu vào máu và có thể được sử dụng an toàn trong thai kỳ. Tuy nhiên, mẹ bầu cũng nên tham khảo thêm ý kiến bác sĩ trước khi muốn dùng bất kỳ loại thuốc nào.
Theo Pregnancybirthbaby