
Trong cuộc sống, chúng ta thường nói “nắm thóp” hay “bắt thóp” ý chỉ việc nắm được điểm yếu của ai đó. Có lẽ cách nói này bắt nguồn từ thóp - khu vực dễ tổn thương trên cơ thể trẻ sơ sinh.
Mẹ Bao Bao

Phân loại thóp trẻ sơ sinh
Thóp là một trong những khu vực dễ bị tổn thương nhất trên cơ thể trẻ. Vì vậy, thóp cần được bảo vệ kỹ lưỡng từ khi trẻ mới sinh.
Theo kiến thức mình tìm hiểu được qua sách vở, trẻ có hai thóp chính gồm thóp trước và thóp sau. Thóp trước chính là khe hở hình thoi giữa xương đỉnh và xương trán, thường đóng lại hoàn toàn khi bé khoảng 12-18 tháng tuổi. Thóp sau là khe hở hình tam giác giữa xương đỉnh và xương chẩm, thường đóng kín hoàn toàn sau khoảng 4 tháng tuổi ở hầu hết trẻ em.
Dấu hiệu bình thường và bất thường của thóp
Sau sinh 1 tuần, mình quan sát thấy thóp con hơi phập phồng nhẹ theo nhịp tim. Vì lo lắng, mình có trao đổi với bác sĩ và được trấn an đây là hiện tượng hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, có một số dấu hiệu khác cần chú ý:
- Thóp lõm sâu kèm dấu hiệu môi khô, ít nước mắt khi khóc, ít đi tiểu... có thể là tình trạng trẻ bị mất nước.
- Thóp phồng lên bất thường (không phải do bé khóc hay căng thẳng) có thể liên quan đến viêm màng não, tăng áp lực nội sọ hoặc chấn thương đầu.
- Nếu các thóp đóng sớm có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của não và cần được bác sĩ kiểm tra.
Cách chăm sóc thóp của trẻ sơ sinh
Dù thóp là vùng mềm, nhưng không có nghĩa cha mẹ phải quá lo lắng khi chạm vào. Mẹ nên dùng khăn sữa lau nhẹ vùng đầu, tránh chà xát mạnh khi tắm bé. Đồng thời, mẹ cần đảm bảo bé được bú đủ vì việc mất nước có thể làm thóp lõm xuống.
Nếu nhận thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, mẹ nên đưa bé đi khám bác sĩ để được đánh giá chính xác nhé!
Hiểu rõ về thóp giúp cha mẹ yên tâm hơn khi chăm sóc bé. Đừng sợ khi chạm vào thóp, nhưng cũng đừng chủ quan nếu nhận thấy dấu hiệu bất thường. Khi nắm vững kiến thức, cha mẹ sẽ không chỉ "nắm thóp" con theo đúng nghĩa đen, mà còn hiểu và đồng hành cùng con trong từng giai đoạn phát triển, đảm bảo cơ thể con khỏe mạnh toàn diện.
"Từ điển làm mẹ" là thế giới "từ mới" và "thuật ngữ" chỉ những người làm mẹ mới hiểu. Nếu bạn đang hoặc sắp bước vào hành trình đảm nhiệm thiên chức thiêng liêng, hãy chia sẻ "từ điển" thú vị của riêng mình với cộng đồng Đi Cùng Con. Đừng ngần ngại gửi về địa chỉ email chiase@dicungcon.vn. Mỗi đóng góp của bạn đều rất quý giá và sẽ giúp ích cho rất nhiều người đấy! |