
Thủy đậu với những nốt đỏ ngứa ngáy xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể, từ mặt, tay, chân đến cả niêm mạc miệng không chỉ khiến bé khó chịu, mà còn tiềm ẩn nguy cơ nhiễm trùng và để lại sẹo.
Tú Anh
Thủy đậu là bệnh dễ lây, đặc biệt ở trẻ nhỏ. Khi thấy con có những dấu hiệu trên, trong đầu tôi là muôn vàn câu hỏi như “Làm sao để con không bị sốt cao?”, “Làm thế nào để con không bị ngứa ngáy, khó chịu?”, “Làm sao để thủy đậu không để lại sẹo?”.
Hiện đã có vaccine ngừa thủy đậu nhưng thật không may khi bé nhà tôi chưa đủ tuổi tiêm đã mắc bệnh này (trẻ cần đủ 12 tháng mới tiêm vaccine thủy đậu mũi 1). Sau những ngày chăm sóc con dưới sự tư vấn của bác sĩ, tôi rút ra một vài kinh nghiệm sau.
Vệ sinh
Khi cơ thể con bắt đầu xuất hiện những nốt ban đỏ li ti, tôi đã lập tức cách ly con sang phòng riêng. Tôi chuẩn bị sẵn chậu nước ấm, khăn mềm, sữa tắm gội dịu nhẹ để tắm cho con hàng ngày. Việc tắm rửa giúp làm sạch da, loại bỏ mồ hôi và vi khuẩn, ngăn ngừa nhiễm trùng và giảm nguy cơ để lại sẹo.
Một trong những điều quan trọng nhất khi chăm sóc trẻ bị thủy đậu là cắt ngắn móng tay con và giữ chúng luôn sạch sẽ. Bởi khi ngứa, trẻ thường sẽ gãi liên tục, nên móng tay dài sẽ dễ làm xước da và gây nhiễm trùng.
Để phòng tránh biến chứng, tôi thường xuyên vệ sinh mũi họng cho con bằng nước muối sinh lý. Việc này giúp làm sạch đường hô hấp, giảm nguy cơ viêm phổi. Ngoài ra, tôi cũng thường xuyên quan sát các nốt ban của con. Nếu thấy có dấu hiệu nhiễm trùng như đỏ, sưng, nóng, đau, tôi sẽ đưa con đi khám bác sĩ ngay.

Giảm ngứa
Ngứa là triệu chứng khó chịu nhất của thủy đậu. Nhìn con gãi đến trầy xước da mà thương vô cùng. Để giúp con giảm ngứa, tôi dùng các loại thuốc bôi ngoài da theo chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra, tôi còn pha bột yến mạch vào nước tắm cho con. Bột yến mạch có tác dụng làm dịu da, giảm viêm và giảm ngứa hiệu quả.
Để giảm thiểu việc gãi, tôi thường xuyên phân tán sự chú ý của con bằng các trò chơi, câu chuyện hoặc cho con xem phim hoạt hình. Khi mải mê với những hoạt động này, bé sẽ quên đi cảm giác ngứa.
Các mẹ cũng nên cho con mặc quần áo bằng chất liệu cotton, thoáng mát, thấm hút mồ hôi, giảm cảm giác bí bách và khó chịu.
Hạ sốt
Sốt là phản ứng tự nhiên của cơ thể khi chống lại virus gây bệnh. Tuy nhiên, sốt quá cao có thể khiến trẻ khó chịu, quấy khóc và ảnh hưởng đến sức khỏe.
Tôi luôn có sẵn thuốc hạ sốt paracetamol dành cho trẻ em trong nhà. Khi con sốt trên 38,5 độ C, tôi cho con uống thuốc theo liều lượng và hướng dẫn. Các mẹ tuyệt đối không tự ý tăng liều hoặc thay đổi loại thuốc. Ngoài ra, tôi thường xuyên dùng khăn ấm lau người như một cách hạ sốt; cho con uống nhiều nước.

Dinh dưỡng
Ngoài chăm sóc da và hạ sốt cho con, chế độ dinh dưỡng cũng vô cùng quan trọng.
Thời điểm con bị thuỷ đậu, tôi cũng loay hoay không biết nên cho con ăn gì để nhanh phục hồi và không bị thiếu chất. Sau khi tìm hiểu và tham khảo tư vấn của bác sĩ, tôi lựa chọn những thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu hóa như cháo, súp, trái cây; đồng thời bổ sung vitamin và khoáng chất thông qua nước trái cây, rau xanh...
Những điều cần tránh
Thủy đậu là bệnh lành tính và thường tự khỏi sau 7-10 ngày. Tuy nhiên, nếu không được chăm sóc đúng cách, bệnh có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng da, viêm phổi... Vì vậy, các mẹ nên theo dõi sát sao và lưu ý một số điều cần tránh dưới đây để giúp con nhanh chóng hồi phục nhé:
- Không tự ý dùng thuốc: Chỉ sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ.
- Không nặn mụn nước: Việc nặn mụn nước có thể làm vỡ mụn, gây nhiễm trùng và để lại sẹo.
- Không dùng các loại lá cây để đắp: Một số loại lá cây có thể gây kích ứng da.
- Không để bé gãi: Nên cắt móng tay cho bé thường xuyên và đeo bao tay cho bé khi ngủ để tránh gãi làm vỡ mụn.