
Là một giáo viên mầm non, việc hướng trẻ nghe lời và làm theo yêu cầu rất quan trọng với tôi. Dưới đây là 8 mẹo tôi thường dùng để trẻ chịu hợp tác làm theo khẩu lệnh của cô giáo.
Cô giáo Minh Thu
1. Thu hút sự chú ý của trẻ
Trẻ con thường muốn được chú ý trước khi bắt đầu làm việc gì đó, như múa hát hoặc xếp khối hình cuối cùng lên ngọn tháp cao. Tương tự, nếu muốn trẻ nghe lời, cần đảm bảo bé đang tập trung vào bố mẹ.
Hãy làm theo các bước sau:
- Nhìn thẳng vào mắt trẻ
- Bắt đầu nhắc nhở, ví dụ: "Sắp đến giờ ăn trưa rồi nhé"!
- Nhanh chóng nói yêu cầu tiếp theo: "Đi rửa tay thôi. Chúng mình vào nhà vệ sinh nào!"
2. Tạo không khí vui nhộn
Trẻ nhỏ rất thích những trò nhí nhố. Khi cần trẻ hợp tác, ví dụ lên giường ngủ trưa, tôi thường giả vờ nói nhìn thấy siêu nhân, người nhện đang nằm kìa để dỗ trẻ về chỗ nằm. Trẻ rất hứng thú và hợp tác ngay.
Bố mẹ cũng có thể thử các cách sau:
- Giả vờ thấy nhân vật trẻ yêu thích để trẻ hợp tác
- Hát hoặc kể chuyện liên quan đến việc cần bé làm
- Tạo những tiếng động vui nhộn.
3. Đừng hỏi, hãy nói
Ngày trước, tôi thường hỏi trẻ: "Con về chỗ để ăn cơm trưa được không?" và rất nhiều bé không nghe theo. Sau này, tôi nhận ra trẻ chưa hiểu đó là một yêu cầu.
Bây giờ, tôi dùng các yêu cầu rõ ràng và vui vẻ như: "Ngồi uống ghế nào", "Xem ai rửa tay sạch hơn nào". Bố mẹ hãy làm tương tự khi muốn con hợp tác nhé!
4. Dùng từ dễ hiểu
Trẻ sẽ hiểu ngay những từ ngắn, thông dụng. Ví dụ, khi tôi nói: "Cô trò mình cùng đi tưới cây nhé", có bé tròn mắt không hiểu. Nhưng khi tôi nói: "Cô trò mình cho cây uống nước nhé!", các bé hình dung được vì đã quen với từ “uống”. Vì vậy, hãy chú ý cách trẻ nói chuyện để dùng những từ đơn giản với con.

5. Kiên nhẫn
Trẻ cần thời gian chuyển đổi giữa các hoạt động. Nếu con chưa làm ngay một yêu cầu của bạn, hãy kiên nhẫn đợi một chút. Thiện chí hơn, hãy giúp trẻ chuyển đổi từng bước nhỏ, từ đó trẻ sẽ dễ hợp tác hơn.
6. Cho trẻ quyền lựa chọn
"Con muốn ăn món nào trước?", "Con muốn tự rửa tay hay cần cô giúp?" - những lựa chọn sẽ giúp trẻ có cảm giác được quyết định nhưng vẫn làm theo yêu cầu của bạn.
7. Giải thích lý do
Khi không thể để trẻ lựa chọn, hãy giải thích lý do để trẻ hiểu. Nếu con không hiểu vì sao không được chạm vào bếp nóng, thay vì nói "Không được!", bố mẹ có thể nói "Không sờ vào bếp nhé, nóng lắm, bỏng đấy!".
Trẻ lớn hơn sẽ dễ bị thuyết phục bằng lý do hợp lý. Ví dụ, tôi thường giải thích với học sinh rằng chúng ta cần đội mũ khi ra ngoài nắng để không nhức đầu. Khi nghe vậy, trẻ thường hợp tác hơn.
Ngoài ra, hãy khuyến khích trẻ giải thích suy nghĩ của mình. Nếu con không muốn đi học, thay vì từ chối ngay, hãy hỏi lý do. Nếu con nói mệt hoặc muốn ở nhà chơi với bà mới từ quê lên, bạn có thể cân nhắc. Nhưng nếu con chỉ mè nheo, khóc lóc để được nghỉ, thì không nên chiều theo.
8. Khen ngợi cụ thể
Thay vì nói chung chung "Con giỏi quá!", hãy nói "Mẹ thấy con biết dọn bát bẩn vào bồn. Mẹ rất tự hào về con!". Trẻ sẽ rất thích được ghi nhận nỗ lực.
Ngay cả khi trẻ chưa làm tốt, hãy tìm điểm tốt để khen. Khi cảm thấy được công nhận, trẻ sẽ có động lực hợp tác hơn vào lần sau. Chúc bố mẹ luôn có nhiều niềm vui trên hành trình nuôi dạy con nhé!
Bài viết được chia sẻ bởi cô Minh Thu - giáo viên mầm non tại Hà Nội. Nếu bạn đang công tác trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em và có câu chuyện muốn chia sẻ với Đi Cùng Con, xin vui lòng gửi về địa chỉ email chiase@dicungcon.vn. Mỗi đóng góp của bạn sẽ giúp ích cho rất nhiều cha mẹ trên hành trình nuôi dạy con. |