
Rất nhiều mẹ trong quá trình mang thai không hề biết nguyên nhân gây sinh non có thể đến từ sự bất thường về cổ tử cung.
Mẹ Cami

Nỗi lo về cổ tử cung
Mình có một người quen, từng 2 lần sảy thai mà không hề biết rõ nguyên nhân. Lần đầu thai 4 tháng, lần thứ 2 thai 6 tháng. Nỗi đau, sự ám ảnh khiến người mẹ đó mỗi lần mang thai đều rất lo lắng. Đến lần thứ 3, khi thai được 12 tuần và theo dõi thai bởi một bác sĩ khác, chị ấy mới biết mình bị cổ tử cung ngắn. Nhờ can thiệp kịp thời, lần thứ 3 mang thai đã thành công, được đón con yêu trong vòng tay.
Cổ tử cung chính là cửa ra vào của tử cung, là nơi trung gian nối tử cung với âm đạo. Bộ phận này có vai trò vô cùng quan trọng trong suốt 40 tuần thai và cả quá trình sinh nở. Trong thời kỳ mang thai, độ dài cổ tử cung sẽ tăng lên, đồng thời cổ tử cung sẽ dày hơn theo sự thay đổi trọng lượng của em bé.
Độ dài của cổ tử cung thế nào là bất thường?
Khi mang thai, mình rất quan tâm đến vấn đề này. Thông thường, khi ở mốc 12 tuần, mẹ đi khám sẽ được bác sĩ đo cổ tử cung. Độ dài của cổ tử cung khi mang thai được xem là bình thường nếu nằm trong khoảng 30-50mm. Ở những tuần thai cuối, cổ tử cung sẽ ngắn lại để chuẩn bị cho quá trình chuyển dạ. Tuy nhiên, mình được bác sĩ tư vấn cổ tử cung dưới 25mm được cho là cổ tử cung ngắn.
Mẹ phải hết sức lưu ý, đo chiều dài cổ tử cung phải được đo bằng phương pháp siêu âm đầu dò mới thực sự chính xác. Rất nhiều chỗ khám thai, mình thấy chỉ đo qua kên bụng (siêu âm bình thường), thường có sai số.
Cổ tử cung ngắn - cẩn trọng nhưng đừng quá lo lắng
Nếu đi khám, bác sĩ kết luận cổ tử cung ngắn, mẹ nên lưu ý khám thai và cũng đừng lo lắng quá mức. Hiện nay, có nhiều cách để hỗ trợ mẹ. Ở những tuần thai bé (dưới 16 tuần), nếu cổ tử cung quá ngắn hoặc có dấu hiệu hé hở, bác sĩ sẽ tiến hành khâu eo cổ tử cung cho mẹ. Sau đó, suốt quá trình mang thai, mẹ sẽ được thăm khám kỹ, kết hợp dùng thuốc (nếu cần). Đến khoảng ngoài 32 tuần, tuỳ cơ địa từng mẹ, bác sĩ sẽ cắt chỉ để chuẩn bị cho quá trình chuyển dạ.
Đối với những tuần thai lớn, khi đã được 5-6 tháng, nếu cổ tử cung ngắn, bác sĩ có thể chỉ định đặt vòng nâng eo cổ tử cung cho mẹ. Do đó, mẹ hãy tuyệt đối yên tâm theo chỉ định của bác sĩ, đừng quá căng thẳng vì stress cũng làm cổ tử cung tụt đó.
Bản thân mình quá trình mang thai khá nhẹ nhàng. Khi được 30 tuần, cổ tử cung đo bị tụt xuống 22mm. Tuy nhiên, bác sĩ chỉ định mình dùng thuốc hỗ trợ, hạn chế vận động, nằm nghỉ và khám thai hàng tuần. Trộm vía sau đó cổ tử cung mình giữ ổn định, không tụt thêm. Đến 35 tuần đi khám, cổ tử cung vẫn đạt 28mm, bác sĩ bảo dừng mọi loại thuốc, ăn uống đủ chất, chờ ngay sinh.
Mang thai đúng là rất nhiều vất vả, gian nan. Tuy nhiên, y học ngày càng hiện đại nên mẹ hãy hoàn toàn yên tâm, theo dõi thai kỹ lưỡng và giữ tinh thần thật tốt để cả mẹ và con đều khoẻ nhé!