
“Tam cá nguyệt” là cụm từ thường được nhắc nhiều trong suốt thời gian mẹ mang thai.
Mẹ Cami

Quan niệm dân gian thường gọi quãng thời gian mang thai của bà bầu là “mang nặng đẻ đau 9 tháng 10 ngày”. Quá trình này được phân chia theo từng tam cá nguyệt, tương ứng 3 giai đoạn của thai kỳ:
- Giai đoạn 1: Tam cá nguyệt thứ 1 tức 3 tháng đầu thai kỳ
- Giai đoạn 2: Tam cá nguyệt thứ 2 tức 3 tháng giữa thai kỳ
- Giai đoạn 3: Tam cá nguyệt thứ 3 tức 3 tháng cuối thai kỳ
Lưu ý trong mỗi “tam cá nguyệt”
Tam cá nguyệt thứ 1: 3 tháng đầu thai kỳ
Đây là giai đoạn đầu tiên, khi mẹ biết mình mang thai. Lúc này, em bé còn nhỏ xíu nên mẹ cần hạn chế các công việc nặng nhọc, có chế độ nghỉ ngơi tốt. Đây cũng là giai đoạn “nghén ngẩm” mệt mỏi nhất. Bản thân mình gần như không ăn uống được mấy. Tuy nhiên, mẹ cũng đừng lo lắng. Mẹ cần nghỉ ngơi nhiều, chia nhỏ thức ăn, hạn chế ăn các thức ăn hoặc gia vị có mùi nặng để tránh buồn nôn, mẹ nhé.
Đặc biệt, trong giai đoạn đầu, mẹ cần lưu ý làm xét nghiệm sàng lọc. Nếu làm xét nghiệm NIPT thì có thể làm từ tuần thứ 10. Còn nếu làm Double Test thì mẹ lưu ý làm ở mốc 12 tuần cộng thêm siêu âm đo điểm mờ sau gáy của bé nhé.
Tam cá nguyệt thứ 2: 3 tháng giữa thai kỳ
Hành trình mang thai lại tiếp tục. Ở giai đoạn này, mẹ cũng đỡ mệt hơn khi những cơn “nghén” giảm bớt. Đồng thời, em bé lớn dần nên mẹ cũng sẽ cảm nhận được sự phát triển của con rõ nét hơn. Mẹ cố gắng ăn uống đủ chất, bổ sung vitamin và vi chất cần thiết như Sắt, Canxi để bé được mạnh khoẻ nhé.
Giai đoạn này, mẹ nhớ thực hiện xét nghiệm tiểu đường thai kỳ (thường làm vào tuần thai 22-24) để theo dõi và điều chỉnh chế độ ăn phù hợp nhé.
Tam cá nguyệt thứ 3: 3 tháng cuối thai kỳ
Mẹ sắp đến đích đón con yêu rồi ạ. Giai đoạn này, mẹ bắt đầu nặng nề hơn, mệt mỏi hơn với một chiếc “trống” đeo ở bụng. Trong những tháng cuối, mình thường mất ngủ do bắt đầu xuất hiện các cơn gò, bé cũng đạp nhiều hơn, hay buồn tiểu, cảm giác nặng 2 chân (hay còn gọi là xuống máu). Một số mẹ cũng cảm thấy “xấu xí” hơn khi mũi nở, bắt đầu xuất hiện vết rạn ở bụng, đùi, ngực. Nhưng mẹ hãy yên tâm vì khi em bé chào đời, những điều “xấu xí” này cũng sẽ dần biến mất.
Ở những tháng cuối thai kỳ, mẹ nhớ theo dõi cử động thai thường xuyên, làm xét nghiệm nước tiểu trong các kỳ khám thai nhé.
Bất cứ “tam cá nguyệt” nào cũng có những khó khăn, vất vả riêng. Điều quan trọng nhất, mẹ hãy nhớ lịch khám thai theo chỉ định của bác sĩ, giữ tinh thần tốt và chế độ dinh dưỡng phù hợp để mẹ khoẻ con khoẻ nhé.
"Từ điển làm mẹ" là thế giới "từ mới" và "thuật ngữ" chỉ những người làm mẹ mới hiểu. Nếu bạn đã, đang và sắp bước vào hành trình đảm nhiệm thiên chức thiêng liêng, hãy chia sẻ "từ điển" thú vị của riêng mình cùng cộng đồng mẹ bầu Đi Cùng Con. Đừng ngần ngại gửi về địa chỉ email chiase@dicungcon.vn. Mỗi đóng góp của bạn đều rất quý giá và sẽ giúp ích cho rất nhiều người đấy! |