
Rota virus là thủ phạm gây ra những cơn tiêu chảy và nôn mửa dữ dội ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Trong đó, trẻ dưới 5 tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao.
Hồng Hạnh
Theo CDC, bệnh do Rota virus có thể khiến trẻ mất nước nghiêm trọng, phải nhập viện, thậm chí đe dọa tính mạng. Tuy nhiên, cha mẹ hoàn toàn có thể bảo vệ con khỏi nguy cơ mắc bệnh bằng giải pháp đơn giản: Uống hoặc tiêm phòng Rota virus.
Rota virus là gì và lây lan ra sao?
Rota virus là loại virus gây viêm dạ dày và ruột, với triệu chứng phổ biến là tiêu chảy nhiều lần trong ngày, nôn mửa, sốt và đau bụng. Virus này lây lan nhanh qua đường phân - miệng, đặc biệt trong môi trường đông người như nhà trẻ, trường học.
Cụ thể, sau khi nhiễm trùng, người bệnh sẽ thải ra lượng lớn virus trong phân và chất nôn. Từ đây, virus xâm nhập vào môi trường, chủ yếu lây truyền qua đường ăn uống các vật liệu bị nhiễm bẩn. Các hành động gây lây lan như đưa tay chưa rửa sạch bị nhiễm phân/virus vào miệng; chạm vào các vật thể/bề mặt bị nhiễm bẩn rồi đưa tay vào miệng; ăn thực phẩm bị nhiễm bẩn…
Tại sao Rota virus lại nguy hiểm?
Tiêu chảy và nôn mửa kéo dài khiến trẻ mất nước nhanh chóng, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 5 tuổi là đối tượng dễ mắc bệnh và có nguy cơ biến chứng cao nhất. Người lớn mắc bệnh do virus Rota có triệu chứng nhẹ hơn.
Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, đến năm 1980 Việt Nam mới nghiên cứu và xác định virus Rota là nguyên nhân chính gây bệnh tiêu chảy ở trẻ em. Ở miền Bắc, bệnh thường xảy ra vào mùa thu đông kéo dài đến mùa xuân (khi thời tiết mưa, lạnh, ẩm ướt). Ở miền Nam, bệnh xảy ra quanh năm, nhiều nhất là tháng 3 và 9. Hàng năm, số trẻ tử vong do virus Rota tại Việt Nam chiếm 4-8% trong tổng số trẻ dưới 5 tuổi tử vong.

Cách phòng ngừa hiệu quả
Uống/Tiêm phòng là cách tốt nhất để bảo vệ trẻ khỏi Rota virus. Vaccine Rota virus an toàn và hiệu quả, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh và biến chứng nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, cha mẹ cần hướng dẫn trẻ giữ vệ sinh cá nhân bằng cách rửa tay thường xuyên với xà phòng và nước sạch, đặc biệt trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Ngoài ra, việc vệ sinh đồ dùng như đồ chơi, bình sữa, núm vú và các vật dụng mà trẻ thường tiếp xúc rất cần thiết.
Điều trị
Theo CDC, hiện nay chưa có thuốc đặc trị Rota virus. Điều trị chủ yếu tập trung vào bù nước và điện giải cho trẻ để ngăn ngừa tình trạng mất nước. Cũng cần lưu ý thuốc kháng sinh không có tác dụng điều trị vì chúng giúp cơ thể chống lại vi khuẩn, không phải virus.
Cuối cùng, việc uống/tiêm phòng Rota virus là món quà quý giá mà các bậc phụ huynh dành tặng cho con yêu. Việc đưa bé đi tiêm phòng đầy đủ theo đúng lịch hẹn là cách tối ưu để bảo vệ con khỏi những căn bệnh nguy hiểm.
Theo CDC Hoa Kỳ và CDC Việt Nam
Nếu bạn có câu chuyện muốn chia sẻ với cộng đồng cha mẹ của Đi Cùng Con, đừng ngần ngại gửi về địa chỉ email chiase@dicungcon.vn. Mỗi đóng góp của bạn đều rất quý giá và sẽ giúp ích cho rất nhiều người đấy! |