
Ngoáy mũi là một thói quen phổ biến ở các bé. Nhưng liệu nó có hại không và làm sao để con bỏ dần thói quen này theo cách nhẹ nhàng?
Cô giáo Minh Thu
Chào bố mẹ, hôm nay tôi muốn chia sẻ một vấn đề nhỏ mà có lẽ nhiều bé đang gặp phải: Thói quen ngoáy mũi.
Có nhiều lý do khiến bé ngoáy mũi: Vì khó chịu trong mũi, vì thấy buồn chán, tò mò hoặc thậm chí không ý thức được mình đang làm gì. Ngoài ra, một số bé ngoáy mũi khi bị dị ứng: Nước mũi chảy nhiều rồi khô lại, làm bé có cảm giác "có gì đó trong mũi" và muốn lấy ra ngay. Nếu không khí trong nhà quá khô do máy lạnh hay máy sưởi, mũi bé cũng dễ bị kích ứng hơn, từ đó cứ đưa tay lên mũi ngoáy.
Ngoáy mũi có hại không?
Ngoáy mũi có nhiều ảnh hưởng không tốt:
Lây lan vi khuẩn: Mũi là nơi giữ lại bụi bẩn và vi khuẩn để không xâm nhập vào cơ thể. Khi bé ngoáy mũi, vi khuẩn sẽ bám vào tay và dễ dàng lây lan ra đồ chơi, tay nắm cửa, bạn bè của bé…
Gây tổn thương niêm mạc mũi: Nếu bé ngoáy mạnh có thể làm trầy xước bên trong, gây viêm nhiễm hoặc chảy máu.
Thói quen chưa lịch sự: Ngoáy mũi ở nơi công cộng có thể khiến người khác không thoải mái, ảnh hưởng đến quá trình giao tiếp với mọi người.
Làm sao giúp bé bỏ thói quen ngoáy mũi?
Tìm nguyên nhân:
Nếu bé bị dị ứng, bố mẹ cần để ý xem bé có hắt hơi, ngứa mắt, ngứa da không. Cần hạn chế bụi bẩn, lông thú cưng và có thể dùng máy tạo độ ẩm nếu không khí trong nhà quá khô.
Dạy bé xì mũi đúng cách:
Hướng dẫn bé dùng khăn giấy để xì nhẹ nhàng khi cảm thấy khó chịu trong mũi. Khi bé biết cách xử lý, bé sẽ ít ngoáy mũi hơn.
Rèn thói quen rửa tay:
Nhắc bé rửa tay sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn và sau khi chơi để tránh lây vi khuẩn.

Khen ngợi khi bé làm đúng:
Nếu bé nhớ dùng khăn giấy thay vì ngoáy mũi, một lời khen hoặc một chiếc sticker nhỏ sẽ khiến bé vui lắm đấy!
Khiến tay bé luôn bận rộn:
Đôi khi bé ngoáy mũi chỉ vì rảnh tay. Bố mẹ hãy cho bé một món đồ chơi, sách tô màu, hoặc khuyến khích bé chơi xếp hình, nặn đất sét để không nhớ đến việc đưa tay lên mũi nữa.
Giữ ẩm cho mũi bé:
Cho bé uống đủ nước, dùng máy tạo độ ẩm hoặc nhỏ nước muối sinh lý để giúp mũi không bị khô, hạn chế cảm giác khó chịu.
Nhắc nhở một cách vui vẻ:
Nếu bé “ngựa quen đường cũ” mà đưa tay lên mũi, bố mẹ có thế mắng yêu như "Ôi ngón tay con đang đi lạc rồi kìa!" thay vì quát mắng nạt nộ. Cách này sẽ giúp bé dễ hợp tác hơn.
Đừng chuyện bé xé ra to:
Nếu bé vẫn ngoáy mũi dù bố mẹ đã thử nhiều cách, hãy bình tĩnh. Chỉ cần giữ móng tay bé sạch và cắt gọn, tránh để bé làm trầy xước mũi là được. Nhiều bé càng bị cấm lại càng làm, nên bố mẹ nhớ giữ bình tĩnh nhé!
Như bao thói quen tuổi thơ khác, ngoáy mũi cũng sẽ mất đi khi bé lớn lên. Quan trọng nhất là bố mẹ đồng hành, hướng dẫn bé chăm sóc bản thân theo cách nhẹ nhàng và vui vẻ nhé!
Bài viết được chia sẻ bởi cô Minh Thu - Tổ trường chuyên môn, giáo viên mầm non tại Hà Nội Nếu bạn đang công tác trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em và có câu chuyện muốn chia sẻ với Đi Cùng Con, xin vui lòng gửi về địa chỉ email chiase@dicungcon.vn. Mỗi đóng góp của bạn sẽ giúp ích cho rất nhiều cha mẹ trên hành trình nuôi dạy con. |