

Có lẽ do điều kiện vật chất dư thừa và yêu thương con quá mức nên nhiều bố mẹ không bao giờ để trẻ có cơ hội được đói để đòi ăn. Thậm chí có nhiều phụ huynh chọn cách ép ăn như trường hợp dưới đây.
- Bác sĩ: Cháu sao phải đi khám đây em? - Mẹ cháu: Em nghĩ cháu bị viêm họng ạ - Bác sĩ: Sao em biết bé bị viêm họng? - Mẹ cháu: Vì mấy hôm nay cháu cứ ăn vào là nôn ra, ăn cháo cũng nôn, uống sữa cũng nôn, em ra quầy thuốc hỏi thì người ta bảo bị viêm họng nặng, kê cho mấy thuốc này uống.... - Bác sĩ: Thế bú mẹ có nôn không? - Mẹ cháu: Bú mẹ thì không nôn. - Bác sĩ: Cháu sốt không? - Mẹ cháu: Không ạ - Bác sĩ: Cháu ho không? - Mẹ cháu: Cháu không ho - Bác sĩ: Cháu đi ngoài thế nào - Mẹ cháu: Bình thường hết, chỉ ăn vào thì nôn thôi ạ. - Bác sĩ: Để bác khám xem nào.... Sau một hồi, bác sĩ kết luận: Trẻ khỏe. Nôn do mẹ ép ăn. |
Ngồi khám bệnh, bác sĩ thấy khá nhiều phụ huynh gặp sai lầm trong vấn đề cho trẻ ăn. Trung bình khoảng 10 mẹ tin rằng con mình biếng ăn và bị còi thì chỉ có khoảng 3 bé là thực sự có vấn đề về dinh dưỡng và cần can thiệp, 7 bé còn lại do phụ huynh kỳ vọng quá mức, muốn con theo chuẩn của bố mẹ. Từ đó thường hay ép con ăn theo nhu cầu của bố mẹ chứ không phải nhu cầu của con.
Hình dung đơn giản thế này, mình không thích hoặc không muốn ăn món ăn nào đó nhưng có người cứ đút lia lịa, bảo mình ăn thì có tức không? Trẻ con cũng vậy, khi không muốn ăn thì chưa thể nói như người lớn, có cháu mím mồm, cháu ngậm miệng, cháu thì la khóc nôn ói ra... Bố mẹ thấy thế càng sót ruột, sợ con đói sẽ lả đi nên cố ép, và từ đây trận chiến ăn uống giữa mẹ - con, bà - cháu dần hình thành và chắc lâu mới có hồi kết.
>> Đọc thêm: Bác sĩ nói gì về chuyện ép trẻ ăn?

Khi chia sẻ về ăn dặm, tôi nhận thấy các mẹ thường trầm trồ khen khi em bé có thể tự ăn theo phương pháp BLW, cảm thấy rất khoa học khi ăn kiểu Nhật, có vẻ tầm thường khi bé ăn kiểu truyền thống... Và sau đó nhìn lại con mình sao không giống con người ta?
Mỗi phương pháp đều có ưu nhược điểm. Vậy ăn dặm theo phương pháp nào là tối ưu? Với tôi, không cái nào là tối ưu cả! Tại sao lại vậy? Vì ở Việt Nam, đặc điểm văn hóa và nhận thức không giống bất kỳ nơi đâu. Có gia đình điều kiện kinh tế tốt, sống riêng như ở tây; có gia đình sống chung với ông bà, bố mẹ; có gia đình nghèo ở nông thôn tối ngày đi làm việc, con giao cho ông bà chăm mà đòi hỏi phương pháp nọ kia thì không thể.
Ăn dặm theo phương pháp nào cũng nên cá thể hóa cùng gia đình, nên dựa trên các nguyên tắc chung:
+ Con từ chối ăn thì không nên ép.
+ Bữa ăn không nên kéo dài quá 30 phút.
+ Ăn đúng giờ hằng ngày, không nên sớm quá hay trễ quá.
+ Nên ngồi một chỗ khi ăn.
+ Không nên xem tivi, điện thoại... khi ăn.
+ Đa dạng về thực phẩm, giới thiệu về món ăn, tên gọi, màu sắc, mùi vị... Có thể ăn mẫu một cách hào hứng trước mặt con, đó cũng là dạy con học.
Bản năng tự nhiên của con người là đói tự kiếm đồ ăn, khát thì uống. Ngày nay, có lẽ do điều kiện vật chất dư thừa và yêu thương con quá mức nên nhiều bố mẹ không bao giờ để trẻ có cơ hội được đói để đòi ăn.
Theo dõi tăng trưởng của bé, gồm chiều cao và cân nặng theo tuổi vẫn trong giới hạn bình thường thì thoải mái đi, hãy nghĩ mình đang nuôi con rất tốt, tuyệt đối không so con mình với con hàng xóm làm gì.
Ăn phương pháp gì thì ăn, miễn mẹ vui con vui, cả nhà cùng vui. Ăn mà con khóc, mẹ bực, cả nhà mất vui!
Nội dung được tư vấn bởi BSCKI Nguyễn Hữu Thảo Trưởng khoa Hồi sức Tích cực và Chống độc - Bệnh viện Sản Nhi Vĩnh Phúc Phòng khám: - Cơ sở 1: Thị Trấn Lập Trạch, huyện Lập Trạch, Vĩnh Phúc (hotline: 0989555035). - Cơ sở 2: 51B Phùng Quang Phong, phường Liên Bảo, TP Vĩnh Yên (hotline: 0983666520). - Cơ sở 3: Phố Me, thị Trấn Hợp Hòa, huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc (hotline: 0342434013). |