

Viêm phế quản là bệnh thường gặp ở trẻ. Phụ huynh tham khảo bài viết để thực hành nuôi con tốt hơn, con khỏe - cha mẹ vui.
Nguyên nhân gây viêm tiểu phế quản là gì?
Viêm tiểu phế quản thường được gây ra bởi virus hợp bào hô hấp (RSV). Các virus gây ra cúm và cảm lạnh thông thường cũng có thể gây viêm tiểu phế quản.
Viêm tiểu phế quản có thể lây từ người sang người qua ho, hắt hơi hoặc tiếp xúc gần. Vi trùng có thể được để lại trên các đồ vật như tay nắm cửa, giường, bàn, và đồ chơi. Con bạn có thể bị nhiễm bệnh bằng cách đưa các vật mang virus vào miệng. Con của bạn cũng có thể bị nhiễm bệnh bằng cách chạm vào các vật mang virus và sau đó dụi mắt hoặc mũi.
Điều gì làm tăng nguy cơ trẻ bị viêm tiểu phế quản?
Viêm phế quản thường xảy ra với trẻ dưới 2 tuổi, thường là vào mùa thu, mùa đông hoặc đầu mùa xuân. Con bạn có thể bị nhiễm RSV từ anh chị em ở độ tuổi đi học hoặc tại một trung tâm giữ trẻ. Bất kỳ điều nào sau đây có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm phế quản của con bạn:
- Sinh non hoặc nhẹ cân;
- Trẻ bị suy giảm miễn dịch;
- Trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh;
- Được nuôi bằng sữa công thức, hoặc ít hoặc không được ăn sữa mẹ;
- Tiếp xúc với khói thuốc lá, thuốc lào;
- Gia đình có người bị cúm.

Những thắc mắc phụ huynh hay hỏi
Con tôi bị viêm tiểu phế quản thì thường ho kéo dài bao lâu?
Viêm tiểu phế quản bắt đầu như cảm lạnh thông thường. Một số triệu chứng, chẳng hạn như ho, có thể kéo dài 2-3 tuần.
Tôi sợ để con ho lâu sẽ xuống phổi thành viêm phổi?
Đây là câu hỏi mà bác sĩ cũng thường xuyên gặp nhất. Cần hiểu rằng ho là biểu hiện của bệnh nào đó chứ không phải là bệnh ho. Ho nhiều hay ho ít không phản ánh độ nặng của bệnh. Không phải là ta chữa cái ho mà cần chữa nguyên nhân ho thì ho sẽ hết. Không phải là để con ho lâu sẽ xuống phổi thành viêm phổi như nhiều người nghĩ.
Có nên cho con tôi uống các thuốc để giảm bớt ho?
Không, tuyệt đối không nên. Trong trường hợp này thì ho là tốt, là cần thiết để tống đờm dãi trong phế quản ra để làm sạch đường hô hấp. Vì vậy đừng uống thuốc để giảm ho đi.
Tôi cho bé uống kháng sinh sớm có dự phòng được biến chứng như viêm phổi hay viêm tai không?
Nguyên nhân viêm tiểu phế quản thường do virus chiếm đến 80% nên kháng sinh sớm không ích gì. Các nghiên cứu chỉ ra rằng trong nhiễm trùng đường hô hấp do virus thì uống kháng sinh sớm không rút ngắn thời gian khỏi bệnh và không ngăn biến chứng viêm phổi xảy ra. Tuy nhiên nếu bác sĩ khám thấy con bạn bị bội nhiễm hay đồng nhiễm vi khuẩn thì có thể kê kháng sinh. Bạn nên thảo luận cùng bác sĩ của mình để có hướng điều trị tốt nhất.
Con tôi bị viêm tiểu phế quản có thể điều trị tại nhà?
Phần lớn trẻ bị viêm tiểu phế quản có thể điều trị tại nhà dưới sự hướng dẫn của bác sĩ. Một số ít cần nhập viện nếu ở thể nặng.
Khi nào con tôi cần nhập viện điều trị?
Khi con bạn có 1 trong các dấu hiệu sau cần gọi ngay cho bác sĩ của bạn hoặc cho bé đến bệnh viện:
- Trẻ thở rất nhanh (60 đến 70 lần trở lên trong 1 phút) hoặc ngừng thở ít nhất 15 giây;
- Nghe thấy tiếng thở rên;
- Lỗ mũi phập phồng khi hít vào;
- Da, môi nhợt nhạt hoặc hơi xanh;
- Phần dưới lồng ngực bé lõm mạnh khi thở;
- Trẻ biếng ăn hay quấy khóc hơn bình thường;
- Trẻ ngủ nhiều hơn bình thường, hoặc khó đánh thức khi ngủ.
Phòng bệnh cho con tôi như thế nào?
Cũng giống như phòng bệnh đường hô hấp khác đó là: Thường xuyên rửa tay người chăm sóc bằng xà bông; không thơm môi thơm miệng trẻ; tránh khói thuốc là thuốc lào; tránh những người bị cúm hay ho - sốt; khuyến khích bú mẹ càng lâu càng tốt.
Nội dung được tư vấn bởi BSCKI Nguyễn Hữu Thảo Trưởng khoa Hồi sức Tích cực và Chống độc - Bệnh viện Sản Nhi Vĩnh Phúc Phòng khám: - Cơ sở 1: Thị Trấn Lập Trạch, huyện Lập Trạch, Vĩnh Phúc (hotline: 0989555035). - Cơ sở 2: 51B Phùng Quang Phong, phường Liên Bảo, TP Vĩnh Yên (hotline: 0983666520). - Cơ sở 3: Phố Me, thị Trấn Hợp Hòa, huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc (hotline: 0342434013). |