

Dịch mũi họng không chỉ gây khó chịu trong sinh hoạt hàng ngày của trẻ mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe.
Dịch mũi họng nhiều sẽ khiến trẻ:
- Giảm thông khí đường thở qua mũi, với trẻ nhỏ có thể dẫn đến suy hô hấp khi trẻ chưa có khả năng thở miệng.
- Dịch lên tai dẫn đến viêm tai giữa cấp, viêm tai ứ dịch và giảm thính lực.
- Dịch ứ đọng gây viêm mũi xoang.
- Dịch chảy xuống họng gây viêm họng thứ phát, phù nề thanh quản gây viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm phổi.
- Nếu trẻ nuốt dịch có thể kích thích gây nôn, đi ngoài phân lỏng.

Vì vậy, khi trẻ có dịch mũi họng, cha mẹ nên vệ sinh cho bé theo từng bước sau:
- Dùng ống hút mũi mẹ - con hút làm sạch dịch mũi họng.
- Nhỏ hoặc xịt nước muối sinh lý vào mũi.
- Day nhẹ cánh mũi 2 bên để dịch muối thấm vào khe cuốn và loãng đờm.
- Hút sạch lại lần nữa bằng ống hút mũi mẹ - con
- Làm tuần tự lại khoảng 2-3 lượt như thế. Ngày có thể vệ sinh 2-3 lần
- Với trẻ ngạt mũi nhiều, có thể nhỏ thuốc co mạch hoặc nước muối ưu trương trước khi làm vệ sinh cho bé.
Trong trường hợp trẻ nôn trớ trào lên mũi, cha mẹ không nên xem nhẹ dịch nôn trớ của trẻ bởi chúng gồm dịch dạ dày và đồ ăn, do đó mang tính acid, làm tăng tiết dịch và nguy cơ nhiễm trùng. Cha mẹ cần vệ sinh cho bé bằng dung dịch nước muối sinh lý (nước muối đẳng trương) hoặc ưu trương, xịt nhỏ và hút 2-3 lượt. Với trẻ lớn có thể khuyến khích bé tự xì nhẹ.