
Mang thai, sinh con khiến nhũ hoa của tôi xuống sắc, trở nên thâm đen chứ không hồng hào được như thời con gái. Điều khiến tôi khá tự ti khi gần gũi chồng.
Tú Chi
Sau sinh, bên cạnh niềm hạnh phúc chào đón thiên thần nhỏ, tôi phải đối mặt với những thay đổi kỳ lạ trên cơ thể. Tình trạng thâm nhũ hoa - tưởng chừng chỉ là vấn đề nhỏ, lại hóa gánh nặng tâm lý.
Những thay đổi của bầu ngực sau sinh
Ngay từ những tuần đầu tiên mang thai, tôi đã cảm nhận được sự thay đổi. Đầu ti trở nên nhạy cảm, dễ ngứa ran và đôi khi hơi đau nhức. Ngực cũng bắt đầu to lên, xuất hiện những đường gân xanh dưới da. Biết đây là những dấu hiệu bình thường khi cơ thể đang chuẩn bị cho việc sinh nở và cho con bú, tôi không quá lo ngại.
Thế rồi, sau khi hoàn thành quá trình mang thai và hành trình sinh nở thiêng liêng, tôi bắt đầu để tâm hơn khi nhận thấy nhũ hoa sẫm màu, đầu ti to ra. Tuy không ảnh hưởng trực tiếp sức khỏe nhưng về mặt thẩm mỹ thì khá tệ. Đặc biệt là xúc cảm khi gần chồng cũng ít nhiều bị ảnh hưởng.
Nguyên nhân nhũ hoa xuống sắc
Vì là vấn đề khá nhạy cảm, ban đầu tôi rất ngại thổ lộ với bạn bè, người thân. Nhưng sau khi hỏi han một vòng trên mạng xã hội, tôi phát hiện rất nhiều mẹ bỉm chung nỗi niềm. Sau khi sinh, nhũ hoa bị thâm đen là chuyện rất bình thường mà hầu hết mẹ bỉm đều gặp phải. Phần đông khẳng định sau khi ngưng cho bú, đầu ti sẽ dần sáng màu hơn. Ôm theo lo lắng và tò mò, tôi tra cứu trên mạng mới phần nào hiểu được nguyên nhân.
Trong đó, có 2 nguyên nhân chính mà theo tôi là đúng với hầu hết mẹ bỉm: Sự gia tăng estrogen và progesterone sẽ kích thích sản xuất melanin - "thủ phạm" chính gây tình trạng da sạm màu. Bên cạnh đó, việc núm vú bị cọ xát trong quá trình cho bé bú, cộng thêm sự ma sát khi mặc áo ngực có thể khiến da ở nhũ hoa trở nên nhạy cảm và thâm hơn.

Giải tỏa nỗi lo thâm sạm nhũ hoa
Để nhũ hoa trở về hiện trạng ban đầu là điều không thể, tuy nhiên tôi vẫn cố gắng áp dụng một số mẹo để cải thiện.
Đầu tiên theo gợi ý của bạn bè, tôi rèn bé ngậm ti đúng cách, đảm bảo con không cắn hoặc mút quá mạnh. Điều này giúp hạn chế sự cọ xát, từ đó giảm nguy cơ thâm sạm.
Áo ngực quá chật có thể gây cọ xát. Do đó tôi đặt ra tiêu chí vừa vặn, thoải mái và có khả năng nâng đỡ tốt khi mua áo lót.
Tôi cũng mua cả miếng lót để thấm sữa để giữ đầu ti luôn khô thoáng, ngăn ngừa vi khuẩn phát triển gây viêm và có thể làm tăng sắc tố.
Khi tắm, tôi chỉ chọn sữa tắm dịu nhẹ, không chứa chất tẩy rửa mạnh để bảo vệ ngực và da toàn thân. Phần khác, việc dùng sữa tắm lành tính cũng rất an toàn cho bé cưng, vì con cần ngậm trực tiếp núm ti mẹ để ăn sữa. Trong quá trình làm sạch, các mẹ không nên chà xát đầu ti, chỉ dùng nước ấm và lau khô nhẹ nhàng bằng khăn sữa mềm.
Một bước chăm sóc quan trọng mà tôi áp dụng mỗi tối là sử dụng kem dưỡng hữu cơ, chứa các thành phần dưỡng ẩm và làm sáng tự nhiên như vitamin E, lô hội, bơ hạt mỡ…
Vì còn cho con bú, tôi thường “spa ngực” sau khi hút sữa hoặc cho con ăn no, tiếp đến làm sạch cơ thể, đặc biệt là vùng ngực (lưu ý gảy cặn sữa để tránh tắc tia). Bước thoa kem dưỡng sẽ thực hiện ngay sau đó. Các mẹ nên giữ trên da từ 30 phút đến 1 tiếng (hoặc hơn) để dưỡng chất thấm sâu, sau đó rửa sạch bằng nước ấm.

Chăm chỉ thực hiện những biện pháp này trong khoảng 2 tháng, tôi nhận thấy thay đổi tích cực. Quầng thâm quanh đầu ti không còn tối màu như trước, da ngực mềm mại hơn. Quan trọng nhất, tôi cảm thấy tự tin hơn về cơ thể của mình.
Làm mẹ, có muôn vàn thứ ta phải đối mặt hàng ngày. Điều tôi muốn lan tỏa đến các mẹ bỉm là: Yêu thương và chăm sóc bản thân theo cách khoa học là giải pháp để ta vượt qua tự ti, thay vì để cơ thể “xuống dốc không phanh” và ngày càng buồn lo. Chúc mọi mẹ bỉm hạnh phúc trên hành trình làm mẹ!
Nếu bạn đang công tác trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em và có câu chuyện muốn chia sẻ với Đi Cùng Con, xin vui lòng gửi về địa chỉ email chiase@dicungcon.vn. Mỗi đóng góp của bạn sẽ giúp ích cho rất nhiều cha mẹ trên hành trình nuôi dạy con. |