

Trẻ sơ sinh thường có chu kỳ ngủ ngắn, khiến bé thức dậy thường xuyên hơn vào ban đêm so với trẻ lớn hoặc người lớn. Hãy cùng tìm hiểu nguyên nhân nhé!
Nguyên nhân bé sơ sinh ngủ nhiều giấc ngắn
Những chu kỳ giấc ngủ ngắn này gọi là giấc ngủ chuyển động mắt nhanh (REM), rất quan trọng cho sự phát triển não bộ. Vì vậy bé ngủ không sâu giấc như người lớn là bình thường, ngủ ngắn và hay thức cũng là bình thường và thậm chí tốt cho não bộ nha!
Hệ thần kinh của bé chưa phát triển một cách hoàn thiện, nên trong khoảng 4 tháng đầu, bé ngủ rất hay giật mình, vặn mình là sinh lý bình thường, không phải do bé bị thiếu canxi, cũng không phải bé bị lông ở lưng (các mẹ đừng nghe lời ông bà mà nhổ lông lưng của bé, vừa đau vừa dễ nhiễm trùng da).
Ngoài ra sữa mẹ rất dễ tiêu. Sữa mẹ có lượng chất đạm và béo thấp so với sữa của các loài động vật khác, kể cả sữa bò, dẫn đến bé sẽ mau đói hơn, phải bú thường xuyên hơn, có bé 1-1,5 tiếng đã có nhu cầu bú lại.

Đối với những mẹ cho con bú trực tiếp, việc cho bé bú sẽ khiến người mẹ cũng phải thức dậy nhiều lần trong đêm. Tuy nhiên nghiên cứu đã cho thấy tổng thời gian ngủ của mẹ vẫn nhiều hơn so với những mẹ cho con ăn sữa công thức 1 phần hay hoàn toàn. Lý do là khi bé có nhu cầu, mẹ biết ngay và đáp ứng ngay, bé không khóc lâu nên nhanh nín, mẹ cũng mau quay lại giấc ngủ, không mất thời gian pha sữa, hâm sữa hay dỗ bé. Mẹ nào mà 1 mình chăm con, không có người giúp thì ôm bé bú trực tiếp là lý tưởng, vì vào những giai đoạn bé khó ở, khó ngủ thì mẹ sẽ khó có thời gian để vắt hút sữa.
Bé sơ sinh ngủ bao nhiêu tiếng mỗi ngày?
Từ lúc sinh đến 4 tháng, thời gian cho 1 cữ ngủ của bé có thể ngắn 1-2 tiếng, tăng dần lên 3-4 tiếng. Càng lớn, bé dần có thể ngủ xuyên đêm 5 tiếng hay thậm chí 10 tiếng. Mỗi bé sẽ mỗi khác. Các mẹ cần quan sát tổng quát sức khỏe và sự phát triển của bé.
Có những bé đã ngủ xuyên đêm vẫn có thể quay lại kiểu ngủ thức dậy vài lần trong đêm trong suốt 2-3 năm đầu đời. Ví dụ, con ngủ xuyên đêm từ lúc 3 tháng, giờ con 5 tháng tự dưng lại thức dậy trong đêm nhiều hơn, một thời gian sau con lại ngủ xuyên đêm, rồi khi con 9 tháng con lại thức dậy vào ban đêm nhiều lần. Nhiều mẹ nghĩ rằng mình đã làm gì sai hoặc kiếm cách để bé quay lại ngủ xuyên đêm như trước kia. Tuy nhiên hiện tượng này là hoàn toàn bình thường. Mẹ không làm gì sai và mẹ cũng không phải làm gì để thay đổi nó. Giấc ngủ của bé sẽ cải thiện ngày càng tốt hơn.

Nếu con ngủ nhiều hơn con số trung bình hoặc ngủ ít hơn con số trung bình thì sao? Thì… không sao hết. Các mẹ nhớ cộng thời gian ngủ của những giấc ngắc 15-20 phút nữa, chứ không chỉ tính những cữ ngủ dài. Con số mà các nhà khoa học đưa ra là con số trung bình, nó đúng với đa số bé chứ không đúng với tất cả. Mỗi bé sẽ mỗi khác. Sẽ có bé ngủ nhiều hơn hoặc ít hơn con số trung bình đó. Nếu mẹ thấy khi thức, bé vẫn vui vẻ, sinh hoạt tốt thì có nghĩa nhu cầu ngủ của con là bấy nhiêu đó, hoàn toàn bình thường.
Riêng những bé trong giai đoạn “quấy” thì chúng ta đành chấp nhận cùng bé vượt qua giai đoạn này. Giai đoạn này sẽ qua, sẽ ổn vào khoảng 3-4 tháng, nên cứ bình tĩnh nha các mẹ.
Bài viết được tư vấn bởi BS Sữa Mẹ Lê Ngọc Anh Thy Nếu bạn đang công tác trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em và có câu chuyện muốn chia sẻ với Đi Cùng Con, xin vui lòng gửi về địa chỉ email chiase@dicungcon.vn. Mỗi đóng góp của bạn sẽ giúp ích cho rất nhiều cha mẹ trên hành trình nuôi dạy con. |