

“Không làm test virus thì làm sao biết được có nhiễm virus hay không để còn điều trị?”. Có lẽ các bố mẹ cho con đi khám cũng từng có thắc mắc tương tự.
Tôi từng nhận được tin nhắn của phụ huynh phàn nàn rằng bác sĩ khám và chẩn đoán con bạn ấy bị cúm nhưng không cho làm test cúm để biết có phải cúm gì hay không. Bác sĩ ấy còn bảo không cần thiết nhưng nếu mẹ muốn thì bác sĩ vẫn sẽ test cho con. Bạn ấy nói: “Không làm test virus thì làm sao biết được có nhiễm virus hay không để còn điều trị”. Có lẽ các bố mẹ cho con đi khám cũng từng thắc mắc tương tự.
Sự thật là không phải tất cả trẻ con bị ốm khi thăm khám là cần chỉ định xét nghiệm. Bệnh trẻ con có đặc thù riêng, trẻ con không biết nói, hỏi bệnh trẻ con cần thực hiện gián tiếp qua người chăm sóc là chính. Bác sĩ nhi khoa cần hỏi bệnh kỹ để định hướng chẩn đoán và nguyên nhân. Nếu bác sĩ nhi khoa có kinh nghiệm sẽ biết cách hỏi bệnh sử đủ thông tin cần thiết sau đó sẽ thăm khám tỉ mỉ để chẩn đoán bệnh.
Phụ huynh thường nghĩ luôn phải xét nghiệm mới biết chính xác bệnh của con. Điều đó không hoàn toàn đúng. Trong nhi khoa có các khuyến cáo chỉ định xét nghiệm cho những bệnh cụ thể, hoặc khi thăm khám lâm sàng bác sĩ vẫn thiếu dữ liệu để nghĩ đến căn nguyên nào đó, hoặc cần làm để loại trừ nguyên nhân nguy hiểm có thể đến với bệnh nhân thì bác sĩ sẽ giải thích cho người nhà để chỉ định thêm xét nghiệm cần thiết. Các bác sĩ có trách nhiệm sẽ làm như vậy.
Sẽ có những rủi ro trong chẩn đoán và điều trị trẻ bị bệnh. Tôi đã từng cấp cứu rất nhiều trẻ bị sốc hoặc suy hô hấp nặng mà bệnh mới ngày đầu, có làm xét nghiệm trong giới hạn bình thường. Bởi vì các dấu ấn xét nghiệm thường có độ trễ hơn so với biểu hiện lâm sàng và có thể không đặc hiệu. Vậy nên việc xét nghiệm sớm không thể thay thế được kỹ năng khám lâm sàng và kỹ năng giải thích cho phụ huynh để theo dõi con ốm.

Tôi luôn dặn các bác sĩ tại hệ thống phòng khám của mình: Không có KPI nào, chỉ có duy nhất một điều cần nhớ đó là hãy khám cho trẻ như với người thân của mình, nói cho phụ huynh biết về bệnh và chăm sóc, khi nào cần uống kháng sinh hay chống viêm, khi nào cần thì tư vấn làm thêm xét nghiệm, khi nào cần thì chỉ định nhập viện, kê đơn thuốc ít thôi phù hợp nhất với tình trạng bệnh...
Có nhiều phụ huynh thích triết lý đó, cũng có nhiều phụ huynh không thích. Họ khó chấp nhận việc con khám mà không khỏi bệnh ngay. Tôi không thấy buồn khi gặp những phụ huynh như vậy, đơn giản là khi không chung quan điểm sẽ không thể nói chuyện/ làm việc được với nhau. Mỗi phụ huynh sẽ tìm được một bác sĩ phù hợp với quan điểm của họ để theo khám.
Làm bác sĩ thì luôn cần phải học hỏi để nâng cao tay nghề và kỹ năng giao tiếp. Bệnh trẻ con mỗi lúc một khác, có thể đơn giản nhưng có thể nặng lên rất nhanh. Phụ huynh cũng nên tìm hiểu về bệnh và cách chăm sóc theo dõi con ốm. Hãy nhớ liên hệ lại với bác sĩ của con mình nếu bệnh con không đỡ hoặc nặng lên.
Bài viết được tư vấn bởi BSCKI Nguyễn Hữu Thảo Trưởng khoa Hồi sức Tích cực và Chống độc - Bệnh viện Sản Nhi Vĩnh Phúc Phòng khám: - Cơ sở 1: Thị Trấn Lập Trạch, huyện Lập Trạch, Vĩnh Phúc (hotline: 0989555035). - Cơ sở 2: 51B Phùng Quang Phong, phường Liên Bảo, TP Vĩnh Yên (hotline: 0983666520). - Cơ sở 3: Phố Me, thị Trấn Hợp Hòa, huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc (hotline: 0342434013). |