
Tùy theo liều lượng kháng sinh do bác sĩ kê đơn và cơ địa bẩm sinh, mỗi trẻ có thể gặp phải các tác dụng phụ của kháng sinh từ thường gặp đến nghiêm trọng.
Hoa Đào
Thuốc kháng sinh là một trong những loại thuốc được kê đơn nhiều nhất trong nhi khoa. Tuy nhiên, kháng sinh cần được sử dụng đúng liều lượng, theo chỉ định của bác sĩ vì nếu lạm dụng có thể gây ra các tác dụng phụ, biểu hiện nhất thời hoặc lâu dài.
Tác dụng phụ thường gặp của thuốc kháng sinh ở trẻ em
Kháng sinh là loại thuốc giúp điều trị các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra cho trẻ em. Dù rất hiệu quả trong việc chữa bệnh, nhưng kháng sinh cũng có thể mang lại một số tác dụng phụ không mong muốn. Khi trẻ dùng kháng sinh, có thể sẽ có một số tác dụng phụ phổ biến mà bố mẹ cần lưu ý.
Tiêu chảy: Kháng sinh có thể làm mất cân bằng vi khuẩn có lợi trong ruột, gây ra tiêu chảy. Tình trạng này có thể diễn ra khi trẻ dùng nhiều loại kháng sinh cùng lúc hoặc phải dùng kháng sinh trong thời gian dài.

Dị ứng: Có trẻ có thể bị dị ứng với kháng sinh, gây phát ban, ngứa, và đôi khi có thể gây khó thở. Nếu thấy các dấu hiệu này, phụ huynh cần ngừng cho con uống thuốc và đưa trẻ đến gặp bác sĩ ngay.
Nhiễm nấm: Kháng sinh không chỉ tiêu diệt vi khuẩn có hại mà còn có thể làm giảm số lượng vi khuẩn có lợi, tạo điều kiện cho nấm phát triển quá mức, gây ra các bệnh nấm miệng hoặc ở những vùng khác trên cơ thể.
Đổi màu răng: Một số loại kháng sinh, đặc biệt là tetracycline hoặc amoxicillin, có thể khiến răng của trẻ dưới 8 tuổi bị đổi màu hoặc ố vàng. Do đó, loại thuốc này thường không được khuyên dùng cho trẻ nhỏ trừ khi thật sự cần thiết.
Sốt: Một số trẻ có thể bị sốt khi uống kháng sinh. Nếu điều này xảy ra, bố mẹ nên theo dõi và thông báo cho bác sĩ.
Một vấn đề mà các bác sĩ thường lưu ý bố mẹ khi trẻ dùng kháng sinh chính là lạm dụng kháng sinh hoặc dùng không đúng cách có thể khiến vi khuẩn trở nên kháng thuốc, làm cho việc điều trị trong tương lai khó khăn hơn. Vì vậy, điều quan trọng là chỉ nên dùng kháng sinh khi có chỉ định từ bác sĩ và không nên tự ý cho trẻ dùng thuốc.
Cách giảm tác dụng phụ của kháng sinh cho trẻ
Để tránh tác dụng phụ từ kháng sinh, điều quan trọng nhất là chỉ sử dụng thuốc khi thật sự cần thiết. Dùng kháng sinh không đúng lúc có thể làm tăng nguy cơ gặp tác dụng phụ và khiến vi khuẩn dần trở nên "nhờn" thuốc hay kháng thuốc. Khi đó, thuốc sẽ mất hiệu quả vì vi khuẩn đã "học cách" chống lại tác động của thuốc.

Các bác sĩ cũng đề xuất một số biện pháp giúp hạn chế những tác dụng phụ khi trẻ dùng kháng sinh, bao gồm:
Bổ sung men vi sinh: Men vi sinh (probiotics) giúp duy trì sự cân bằng của vi khuẩn có lợi trong ruột, từ đó giảm nguy cơ bị tiêu chảy khi dùng kháng sinh.
Bảo vệ da khỏi ánh nắng: Một số kháng sinh có thể làm da nhạy cảm hơn với ánh nắng mặt trời. Bố mẹ nên thoa kem chống nắng và tránh để trẻ ra ngoài trong những giờ nắng gay gắt để tránh nguy cơ cháy nắng.
Tuân thủ chỉ định của bác sĩ: Bố mẹ cần đảm bảo cho trẻ dùng thuốc đúng liều lượng và thời gian mà bác sĩ đã chỉ định. Không nên tự ý ngừng thuốc sớm dù trẻ có vẻ đã khỏe hơn.
Thông báo cho bác sĩ về các loại thuốc khác: Nếu trẻ đang dùng bất kỳ loại thuốc nào khác, kể cả thuốc không kê đơn hoặc các sản phẩm tự nhiên, bố mẹ cần trao đổi với bác sĩ để tránh tương tác không mong muốn giữa các loại thuốc.

Bảo quản thuốc đúng cách: Đọc kỹ hướng dẫn bảo quản thuốc để đảm bảo thuốc luôn giữ được hiệu quả tốt nhất.
Theo dõi cách uống thuốc: Một số kháng sinh cần uống cùng thức ăn, trong khi số khác lại cần uống khi bụng đói. Bố mẹ nên tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ hoặc trên bao bì thuốc.
Theo Verywellhealth
Nếu bạn có câu chuyện muốn chia sẻ với cộng đồng cha mẹ của Đi Cùng Con, đừng ngần ngại gửi về địa chỉ email chiase@dicungcon.vn. Mỗi đóng góp của bạn đều rất quý giá và sẽ giúp ích cho rất nhiều người đấy! |