
Vaccine là một trong những công cụ hiệu quả phòng ngừa dịch bệnh nhưng do hiểu lầm, nhiều người chọn không tiêm cho mình và con nhỏ, dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe.
Minh Phương
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), vaccine là một sản phẩm được chế tạo ra từ nguồn gốc sinh học, hay còn gọi là chế phẩm sinh học, có chứa các thành phần đặc biệt hiệu quả (đặc hiệu) giúp cải thiện, nâng cao khả năng miễn dịch của cơ thể đối với bệnh bằng cách kích thích hệ thống miễn dịch tiêu diệt tác nhân gây bệnh đó, đồng thời tạo nên trí nhớ miễn dịch giúp cơ thể có sẵn phòng vệ khi bị virus tấn công.
Tuy nhiên, phong trào bài trừ vaccine (anti-vaccine) là 1 trong 10 vấn nạn lớn nhất về sức khỏe thời hiện đại, theo WHO cảnh báo. Đặc biệt ở nhiều nước phương Tây, bài trừ vaccine từng gây ra nhiều hệ quả nghiêm trọng.
Năm 2017, dịch sởi bùng phát ở châu Âu và WHO chỉ rõ dịch bệnh đã bùng nổ ở những nơi mà việc tiêm chủng không được chú trọng. Theo thống kê từ Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát bệnh châu Âu (ECDC), tỷ lệ mắc sởi cao nhất là dưới 4 tuổi; 88% số trẻ mắc bệnh chưa được tiêm vaccine hoặc tiêm vaccine không đúng theo khuyến cáo. Trong 12 tháng theo dõi (2016-2017), có 13 trẻ tử vong do sởi ở châu Âu.

Là mẹ của một cặp song sinh, tôi rất quan tâm đến vấn đề tiêm chủng của con và cũng từng đọc nhiều bài thảo luận về vấn đề nên hay không tiêm vaccine cho con.
Nhìn nhận thực tế, một vài biến cố với trẻ sau tiêm vaccine là một phần nguyên nhân khiến nhiều cha mẹ ngần ngại đưa con đi tiêm. Nguyên nhân gây ra biến cố sau tiêm có thể đến từ chất lượng vaccine và sai sót trong tiêm chủng, sai sót trong qua trình sản xuất, bảo quản, vận chuyển… Tuy nhiên, sự phát triển của y học và công nghệ khiến việc bảo quản, vận chuyển vaccine ngày càng an toàn. Vậy nên tôi nghĩ đây không phải lý do hợp lý để bài trừ hoàn toàn việc tiêm vaccine cho trẻ.
Ngoài ra, một số ý kiến lại cho rằng việc tiêm vaccine là trái tự nhiên; tác dụng phụ lâu dài của vaccine là rối loạn miễn dịch, rối loạn thần kinh như tự kỷ, tăng động, giảm chú ý hay ung thư… Tuy nhiên, các thông tin này không có bằng chứng rõ ràng, hoặc nếu có chứng cứ thì đã được chứng minh là sai và loại bỏ.
Theo tôi tìm hiểu, các tổ chức y học hàng đầu thế giới như WHO, CDC, Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ AAP… hiện nay đều khuyến cáo tiêm vaccine cho trẻ. Theo CDC, việc tiêm vaccine cho trẻ đúng thời điểm không chỉ bảo vệ trẻ, làm tăng miễn dịch cộng đồng, mà còn bảo vệ cả cho những người xung quanh có hệ miễn dịch suy yếu. Đặc biệt, tiêm vaccine giúp giảm nguy cơ mắc 14 bệnh nguy hiểm thường gặp ở trẻ nhỏ gồm: Bạch hầu, ho gà, bại liệt, uốn ván, viêm gan B, Hemophilus influenza, viêm phổi viêm tai do phế cầu, viêm màng não mủ, sởi, lao, quai bị, viêm não Nhật Bản, rubella, và thương hàn.
Sử dụng vaccine đúng lúc và đúng cách, trẻ sẽ được bảo vệ ở mức cao nhất và lâu dài, tạo tiền đề lớn lên và phát triển toàn diện. Thế nên từ khi có bầu cho tới khi sinh con, tôi luôn cố gắng tuân thủ lịch tiêm phòng để các con có được miễn dịch tốt nhất.
Nếu bạn có câu chuyện muốn chia sẻ với cộng đồng cha mẹ của Đi Cùng Con, đừng ngần ngại gửi về địa chỉ email chiase@dicungcon.vn. Mỗi đóng góp của bạn đều rất quý giá và sẽ giúp ích cho rất nhiều người đấy! |