
Những tiếng khóc, nước mắt nước mũi tèm nhem và cả những cơn mè nheo... Lo lắng xa cách ở trẻ nhỏ không phải chuyện dễ "đỡ", nhưng vẫn có cách để giúp phút giây biệt ly trở nên dễ dàng hơn cho cả bạn và bé.
Thu Minh
Bạn chưa kịp ra khỏi cửa đi làm mà bé đã bắt đầu khóc; tiếng khóc ré lên ngay khi bạn rón rén rời phòng sau khi đặt bé ngủ; thậm chí bạn chỉ vừa rời khỏi tầm mắt bé một chút thôi mà bé đã hoảng loạn.... Nếu sự vắng mặt của bạn khiến bé trở nên mất kiểm soát, có thể bé đang đối mặt với lo lắng xa cách (Separation anxiety).
Nguyên nhân gây ra lo lắng xa cách
Lo lắng xa cách xuất hiện khi bé thấy bất an vì sự vắng mặt của bố mẹ hoặc người chăm sóc. Điều này có thể khiến cha mẹ rất xót con, nhưng bạn không cần lo lắng quá.
TS tâm lý học phát triển Jessica Stern cho biết: “Thực tế, bản năng bám chặt và không muốn xa rời người chăm sóc của trẻ là yếu tố quan trọng giúp bé tồn tại và phát triển khỏe mạnh”. Bé hiểu theo bản năng rằng mình cần người lớn giữ cho an toàn, và tiếng khóc to là cách giữ cha mẹ ở gần. Dù cha mẹ sẽ không bao giờ để bé trong tình huống nguy hiểm, nhưng bé thì không biết điều đó, nên bé luôn muốn bạn ở bên.
Một số bé dễ bị lo lắng xa cách hơn những bé khác, có thể do sự kết hợp của gen, tính cách và các yếu tố môi trường.
Lo lắng xa cách thường bắt đầu khi bé khoảng 9 tháng tuổi, nhưng theo Học viện Nhi khoa Mỹ (AAP), nó có thể xuất hiện sớm từ 4-5 tháng tuổi.
“Nỗi lo này thường giảm bớt khi bé được khoảng 2 tuổi và hiểu được bố mẹ sẽ quay lại sau khi rời đi,” Stern chia sẻ. Tuy nhiên, điều này không đúng với tất cả trẻ. Một số trẻ có thể xuất hiện lo lắng xa cách muộn hơn, chẳng hạn khi 15 hoặc 18 tháng tuổi. Nếu tình trạng này kéo dài sau 2 tuổi, đừng lo vì nó sẽ biến mất khi bé tốt nghiệp mẫu giáo.
Dấu hiệu nhận diện lo lắng xa cách
Dấu hiệu rõ ràng nhất của lo lắng xa cách là khóc. Bé bắt đầu khóc ngay khi bạn rời đi và chỉ dừng khi bạn quay về. Các dấu hiệu khác, đặc biệt ở trẻ sơ sinh, là bám chặt lấy bố mẹ hoặc không muốn nhận sự quan tâm từ người khác.

Khi bé lớn hơn, bạn có thể nhận thấy các dấu hiệu khác như:
- Từ chối đi học một mình.
- Không chịu ngủ một mình.
- Đòi hỏi nhiều sự chú ý từ bố mẹ.
- Sợ hãi tột độ khi phải ở một mình.
- Khóc lóc hoặc quấy khi ở với người chăm sóc khác.
- Hay kể về các triệu chứng như đau đầu hoặc đau bụng khi phải xa bố mẹ.
Cách đối phó với lo lắng xa cách
Dưới đây là một số cách mà cha mẹ có thể áp dụng:
- Chọn thời điểm tạm biệt phù hợp: Chia tay sẽ khó khăn hơn khi bé mệt hoặc đói. Cha mẹ hãy chờ sau khi bé ăn hoặc ngủ dậy rồi mới đi.
- Dứt khoát: Phút chia li càng kéo dài, bé càng dễ lo lắng. Hãy làm nhanh gọn với một cái ôm, một nụ hôn và món đồ bé yêu thích, rồi rời đi.
- Tích cực: Giữ thái độ vui vẻ, bình tĩnh khi nói lời tạm biệt. Nếu thấy bạn buồn, tâm trạng bé cũng sẽ bị ảnh hưởng.
- Hứa hẹn thời điểm quay lại: Hãy giúp bé hiểu khi nào bạn sẽ trở về bằng những lời đơn giản. Ví dụ: “Bố/Mẹ sẽ về trước giờ cơm tối”, hoặc “Bà tắm cho con xong về bố/mẹ sẽ về nhé”…
- Tập dần dần: Hãy để bé làm quen dần với người chăm sóc (ông bà, người giúp việc…) và bắt đầu những lần tách biệt ngắn.
- Khích lệ bé: Nếu bé vượt qua được lo lắng, hãy khen ngợi bé. Mục tiêu không phải là loại bỏ hoàn toàn cảm giác lo lắng, mà là giúp bé hiểu được lo lắng là bình thường và sẽ qua đi.
Theo The Bump
Nếu bạn có câu chuyện muốn chia sẻ với cộng đồng cha mẹ của Đi Cùng Con, đừng ngần ngại gửi về địa chỉ email chiase@dicungcon.vn. Mỗi đóng góp của bạn đều rất quý giá và sẽ giúp ích cho rất nhiều người đấy! |