
Hầu như em bé nào cũng ít nhất một lần va đập phần đầu trong những năm đầu đời. Dù đa phần không nghiêm trọng, cha mẹ vẫn cần trang bị kiến thức để bảo vệ con yêu một cách tốt nhất.
Mẹ Diệu Linh
"Biết bò biết đi là biết té ngã", câu nói này thường ứng nghiệm rõ nhất ở những bạn nhỏ đang chập chững tập đi. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, việc té ngã sẽ tiềm ẩn nguy cơ khó lường về sức khỏe của trẻ.
Vì sao trẻ dễ bị va đập đầu?
Khi bé bắt đầu tò mò khám phá thế giới xung quanh và tập lẫy, bò, ngồi, tập đi... thì việc va chạm, té ngã là điều khó tránh khỏi. Nguyên nhân là các cơ cổ còn yếu khiến bé chưa thể kiểm soát vận động đầu và cổ linh hoạt như người lớn. Thêm vào đó, trọng tâm cơ thể tập trung gần đầu hơn, khiến bé dễ mất thăng bằng.
Những nguyên nhân thường gặp nhất khiến bé bị va đập đầu là té ngã (từ ghế sofa, giường, ghế…) và va chạm trong khi lẫy, bò, trườn, tập đi. Ngoài ra, một số trường hợp có thể do tai nạn giao thông, vật dụng dành cho trẻ em (xe tập đi, ghế ngồi, xe đẩy...) bị đổ, thậm chí bị người lớn tác động.

Dấu hiệu nhận biết bé bị va đập đầu nhẹ
Tin vui là khoảng 93% chấn thương đầu ở trẻ 3-17 tuổi được đánh giá là tình trạng nhẹ, có thể xử lý tại nhà. Sau khi bị va đập đầu nhẹ, bé thường có các biểu hiện:
- Khóc: Bé khóc là điều hoàn toàn bình thường khi gặp phải sự cố bất ngờ, khó chịu hoặc đau. Tiếng khóc thường dịu dần sau thời gian ngắn. Nếu bé khóc kéo dài hoặc không thể dỗ dành, có thể bé bị chấn thương nghiêm trọng hơn, lúc này cha mẹ cần hết sức lưu ý.
- Tâm lý thu mình: Sau khi khóc, bé có thể trở nên im lặng, thu mình lại trong khoảng 15-30 phút.
- Da bị đỏ hoặc bầm tím: Vùng da bị va đập có thể chuyển sang màu đỏ hoặc tím do các mạch máu dưới da bị tổn thương.
- Chảy máu: Cha mẹ đừng quá lo lắng nếu thấy bé bị chảy máu, đặc biệt là ở vùng da đầu. Do đầu có nhiều mạch máu nên lượng máu chảy ra có thể nhiều hơn so với vết thương thông thường. Nếu có thể cầm máu bằng cách ấn nhẹ thì vết thương không đáng ngại.
- Sưng u cục: Tình trạng sưng, u đầu có thể xuất hiện ở vùng bị va đập trong vòng vài phút hoặc vài giờ. Kích thước cục sưng có thể khá lớn nhưng thường không đáng lo nếu bé không có biểu hiện bất thường nào khác.
- Đau đầu: Bé có thể bị đau đầu âm ỉ hoặc đau nhói sau khi va đập đầu.
Lưu ý: Vì bé sơ sinh chưa thể diễn tả bằng lời nói nên cha mẹ cần chú ý quan sát các biểu hiện để đánh giá mức độ nghiêm trọng của chấn thương.
Khi nào cha mẹ cần đưa bé đi khám?
Trong một số trường hợp sau, cha mẹ cần đưa bé đến cơ sở y tế ngay lập tức:
- Chảy máu không cầm được: Nếu không thể cầm máu bằng cách ấn nhẹ trong vài phút, hoặc nếu bé bị chảy máu ở các bộ phận khác trên cơ thể, cha mẹ cần đưa con đến cơ sở y tế gần nhất.
- Té ngã hoặc tai nạn nghiêm trọng: Trẻ dưới 1 tuổi dễ bị gãy xương sọ và xuất huyết não. Nếu bị té ngã từ trên cao hoặc gặp tai nạn nghiêm trọng, cha mẹ cần đưa bé đi cấp cứu ngay.
- Chấn thương không chỉ ở vùng đầu: Nếu các bộ phận khác trên cơ thể bé, đặc biệt vùng cổ hoặc cột sống, cũng bị ảnh hưởng thì cần đi khám lập tức. Nhưng cha mẹ cần lưu ý nếu nghi ngờ bé bị chấn thương cột sống thì tuyệt đối không di chuyển bé nếu không có kỹ năng chuyên môn.
- Thay đổi hành vi: Nếu bé có những thay đổi bất thường về hành vi như quấy khóc nhiều hơn bình thường, bỏ bú, nôn nhiều, phối hợp động tác kém, lờ đờ và mệt mỏi kéo dài hoặc có biểu hiện khác lạ so với bình thường, cha mẹ cũng cần đưa bé đi thăm khám.
- Mất ý thức: Khi thấy con bất tỉnh hoặc mất ý thức, dù chỉ trong thời gian ngắn, cha mẹ cũng cần đưa đến bác sĩ để thăm khám.
- Nôn mửa: Nôn mửa có thể là dấu hiệu của chấn thương đầu nghiêm trọng ở trẻ.

Cha mẹ cần làm gì khi bé bị té đập đầu?
Nếu bé chỉ khóc trong thời gian ngắn sau khi va đập và nhanh chóng nín, cha mẹ không nên quá lo lắng. Hãy giữ bình tĩnh để bé cảm thấy an toàn, vỗ về và âu yếm bé.
Cha mẹ có thể áp dụng các biện pháp sơ cứu đơn giản sau tại nhà: Cầm máu bằng cách ấn nhẹ lên vết thương; rửa sạch vết thương bằng xà phòng và nước, sau đó bôi thuốc mỡ kháng khuẩn; chườm lạnh lên vùng bị sưng (lưu ý không chườm đá trực tiếp lên da bé mà cần bọc qua khăn vải).
Sau khi sơ cứu, cha mẹ nên theo dõi sát sao biểu hiện của bé trong vòng 24-48 giờ tiếp theo để phát hiện kịp thời dấu hiệu bất thường.
Phòng tránh va đập đầu ở trẻ sơ sinh
Để giảm thiểu nguy cơ va đập đầu ở trẻ, cha mẹ cần luôn trông chừng khi bé leo trèo cao, vui chơi với đồ vật trơn trượt. Ngoài ra, phụ huynh nên cho con sử dụng ghế ngồi ôtô đúng cách, đội mũ bảo hiểm khi tham gia các hoạt động thể thao. Đặc biệt, cha mẹ nên cân nhắc việc cho con sử dụng xe tập đi khi không có người lớn ở cạnh.
Cha mẹ cũng cần tạo môi trường an toàn cho bé tại nhà bằng cách bọc các góc nhọn, loại bỏ các vật dụng trơn trượt trên sàn nhà, không đặt ghế ngồi trẻ em trên các bề mặt cao.
Va đập đầu là điều khó tránh khỏi ở trẻ, nhưng cha mẹ hoàn toàn có thể chủ động phòng tránh và xử lý kịp thời để bảo vệ con yêu. Việc quan sát kỹ các biểu hiện của con và tham khảo ý kiến bác sĩ khi cần thiết là cách chăm sóc tốt nhất dành cho trẻ.
Theo Parents.com