
Việc trẻ biết đi sớm hay muộn tùy thuộc vào bản năng, lịch trình sinh trưởng của mỗi trẻ.
Phương Thu
Là mẹ của 3 đứa trẻ nhưng mỗi đứa một tính, một mốc phát triển khác nhau khiến tôi chưa từng hết bất ngờ trên hành trình nuôi dạy con. Tôi hiện tại 33 tuổi, đang sinh sống tại Hà Nội. Có bố mẹ nào cũng có con tập đi từ rất sớm, chừng 9-10 tháng không? Tôi đang gặp phải tình huống như vậy với bé thứ 3.
Vì đã có kinh nghiệm sinh 2 bé nên khi mang thai bé thứ 3, tôi áp dụng chế độ ăn uống, nghỉ ngơi và luyện tập thể dục khá đều đặn. Cũng nhờ vậy, suốt 9 tháng mai thai, trạng thái cơ thể tôi luôn rất tốt, không ốm nghén, thai nhi cũng phát triển ổn định. Gần ngày dự sinh, cân nặng em bé đã đạt gần 4 kg, tuy nhiên bác sĩ vẫn khuyến khích tôi sinh thường vì đã có kinh nghiệm sinh thường 2 bé và cơ thể tôi khá cao lớn, khung xương chậu nở.
Em bé sinh ra tròn 4 kg, đủ tháng nên khá bụ bẫm, được ông bà nhận xét là “bế chắc nịch, bằng nhiều bé ra tháng”. Có nền tảng cơ thể tốt từ khi sinh ra nên qua thời gian, sự tăng trưởng của con cũng đều đặn và ổn định. Không biết có phải vì vậy mà từ 8 tháng con đã thường xuyên đòi vịn đứng lên, bước sang tháng thứ 10 đã muốn chập chững bước những bước đầu tiên.

Thấy con tập đi sớm, vợ chồng tôi khá lo lắng khi tham khảo một số nguồn tin trên mạng thì nói rằng “cột sống trẻ chưa sẵn sàng, có thể gây ra những tổn thương cho hệ xương”, hay “thời điểm phù hợp để trẻ tập đi là 1 tuổi”.
Chúng tôi đã tìm đến một số chuyên gia về trẻ và được tư vấn rằng không nên quá lo lắng. Cha mẹ không nên ép khi con chưa thật sự sẵn sàng tập đi, nhưng bên cạnh đó cũng cần để con được phát triển theo nhu cầu, khả năng của bản thân. Khi con có những dấu hiệu của việc mong muốn tập đi như tự đứng lên và giữ thăng bằng trong chốc lát hoặc bám vào tường, đây chính là dấu hiệu cho thấy con đã sẵn sàng tập đi.
Thay vì cấm cản hay kiềm chế bé, cha mẹ cần lưu ý một số điều như:
- Cha mẹ cần đứng trong phạm vi gần với trẻ và chú ý quan sát để có thể kịp thời đỡ khi bé bị ngã.
- Với những bước đi ban đầu, cha mẹ nên giữ thăng bằng cho bé bằng việc đỡ hai nách, tuyệt đối không nên cầm ở cánh tay vì có thể gây gãy tay.
- Trong quá trình tập đi, không nên kéo hai cánh tay của bé vì xương ở tuổi này còn yếu, dễ gây gãy tay, trật khớp vai.
- Khi mới tập đi, trẻ thường có xu hướng cúi mặt và lao đầu về phía trước. Do vậy cha mẹ cần theo dõi quan sát và chỉnh sửa để tránh bé bị gù sau này.
Nếu bạn có câu chuyện muốn chia sẻ với cộng đồng cha mẹ của Đi Cùng Con, đừng ngần ngại gửi về địa chỉ email chiase@dicungcon.vn. Mỗi đóng góp của bạn đều rất quý giá và sẽ giúp ích cho rất nhiều người đấy! |