
Các bố mẹ có từng trăn trở, lo lắng chân con bị vòng kiềng không? Dù được bác sĩ trấn an, mình vẫn mày mò các bài tập “nắn chỉnh” để thực hành cùng con mỗi ngày.
Quỳnh My
Khi con được 6 tháng tuổi, mình nhận thấy đầu gối bé cong ra ngoài rõ rệt, trong khi gót chân có xu hướng chụm vào nhau. Lo lắng cho sức khỏe của con, mình đưa bé đi khám bác sĩ nhi khoa. Bác sĩ chẩn đoán con bị chân vòng kiềng sinh lý và cho biết đây là tình trạng phổ biến ở trẻ nhỏ, thường tự khỏi khi bé lớn lên.
Vì lần đầu làm mẹ nên mình rất bối rối. Mỗi lần nhìn đôi chân con, mình không khỏi bồn chồn vì lo con gái chân cong vòng kiềng sẽ kém thẩm mỹ, có khi lại ảnh hưởng đến chiều cao sau này.

Vậy là không đợi tới khi bé lớn để xem chân có thẳng ra không, mình quyết định tìm hiểu về bệnh chân vòng kiềng, tham khảo ý kiến những người có kinh nghiệm ngay.
Nhìn chung, mọi người đều khuyên mình nên kiên nhẫn chờ đợi vì chân bé sẽ dần thẳng ra theo thời gian. Bên cạnh đó, mình cùng con thực hiện một số bài tập đơn giản để cải thiện tình trạng chân vòng kiềng. Trộm vía con cũng rất hợp tác tập luyện, vui vẻ ra trò. Một số bài tập mình áp dụng là:
- Bài tập bắt chéo chân: Cho bé nằm ngửa, hai chân duỗi thẳng; nắm lấy mắt cá chân của bé và nhẹ nhàng gập đầu gối, đưa hai chân bắt chéo nhau; giữ tư thế này trong 10-15 giây, sau đó đổi bên.
- Bài tập đạp xe: Cho bé nằm ngửa, hai chân duỗi thẳng; nắm lấy bàn chân của bé và nhẹ nhàng di chuyển như chuyển động đạp xe; thực hiện trong 10-15 giây, sau đó đổi bên.
- Bài tập bò: Khuyến khích bé bò bằng cả hai tay và hai chân, giúp tăng cường sức mạnh cơ bắp chân và giúp bé phát triển khả năng vận động.
Kiên trì tập luyện dần dần tới khi con được 18 tháng tuổi, hai chân bé bắt đầu thẳng hơn. Đến khi con 3 tuổi, chân bé hoàn toàn bình thường. Nhìn con vui vẻ chạy nhảy, mình cảm thấy vô cùng nhẹ nhõm.
Sau trải nghiệm này, mình dần có kinh nghiệm làm mẹ hơn một chút, hiểu rằng tình trạng chân vòng kiềng vốn phổ biến ở trẻ nhỏ và thường tự khỏi khi bé lớn lên. Do đó, các bậc phụ huynh có chung trăn trở không nên quá lo lắng. Cha mẹ nên kiên nhẫn và theo dõi sự phát triển của con, đặc biệt chú ý đến hai chân bé. Nếu thấy chân cong ra ngoài ngày càng nhiều hoặc có dấu hiệu bất thường như không thể đi hoặc đi lại khó khăn, cha mẹ nên đưa bé đi khám để được tư vấn cụ thể.
Nếu bạn có câu chuyện muốn chia sẻ với cộng đồng cha mẹ của Đi Cùng Con, đừng ngần ngại gửi về địa chỉ email chiase@dicungcon.vn. Mỗi đóng góp của bạn đều rất quý giá và sẽ giúp ích cho rất nhiều người đấy! |