
Chị em không nên tự điều trị hay đến các tiệm làm móng cắt xén nếu bị chín mé mà cần đến các chuyên khoa về da liễu để xử lý, đảm bảo không nhiễm trùng.
Mẹ Nhím Nâu
Không biết có chị em nào hay bị chín mé (sưng đau phần khóe ngón tay, ngón chân vì bị móng đâm vào thịt) giống em không ạ? Cơ địa em dễ sưng, mà lại còn hay cắn móng với táy máy bóc măng rô nên em bị chín mé như cơm bữa. Nhẹ thì đau nhức hơi hơi, còn nặng có khi mưng mủ áp xe, đau không làm được việc gì. Mấy hôm vậy, em toàn nhờ anh chồng rửa bát hộ để không đụng nước.
Chín mé thường do những tác động bên ngoài như đi làm móng tay, móng chân ở tiệm không đảm bảo vệ sinh, mang giày cao gót, bít mũi hay chơi các môn thể thao có nguy cơ cao bị chấn thương đầu ngón tay, ngón chân… Từ khi bắt đầu sưng nhức đến khi khỏi tầm khoảng 1 tuần. Ban đầu em cũng không để ý nhiều, nhưng từ lúc biết một vết thương nhìn có vẻ nhỏ như chín mé cũng có thể gây hậu quả nghiêm trọng thì “rén” hẳn.
Khi bị tổn thương, đầu ngón tay chân sẽ tấy đỏ và sưng, gây đau ngứa và nhức. Tình trạng viêm sẽ gây áp xe, tạo mủ và gây sốt nhẹ nếu ổ áp xe nghiêm trọng. Nếu không xử lý phù hợp, chín mé có thể gây các biến chứng nguy hiểm như viêm khớp, viêm xương, viêm bao hoạt dịch, thậm chí nhiễm khuẩn huyết.
Với “kinh nghiệm đau thương” mấy chục năm, em xin chia sẻ cho các chị em, đặc biệt là các chị bầu cách xử lý chín mé ít đau và không ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và con:
Khi phát hiện dấu hiệu sưng đầu ngón tay chân do chín mé, chị em cần giữ gìn vệ sinh vùng bị tổn thương. Em hay rửa vết thương bằng thuốc tím pha loãng và bôi thuốc kháng sinh Dạng mỡ để tránh nhiễm trùng. Các chị em nên chú ý quan sát vùng đầu ngón tay chân để sớm phát hiện, càng xử lý sớm thì tình trạng viêm càng ít, mình sẽ đỡ đau và đỡ vất vả hơn.
Nếu có tình trạng sưng và làm mủ, các chị em không nên tự cắt hay đến tiệm làm móng thông thường để xử lý, vì khi đã mưng mủ tức là vết thương đã viêm nhiễm khá nghiêm trọng. Lúc này, mình cần đến cơ sở y tế để xử lý vết thương theo chuẩn y khoa. Việc tự xử lý tại nhà có thể làm nghiêm trọng hơn tổn thương, thậm chí gây mệt mỏi, sốt vì phản ứng viêm.
Ở cơ sở y tế, các bác sĩ sẽ tiến hành rạch để dẫn lưu mủ thoát ra và xử lý vết thương. Chị em có thể kết hợp dùng thêm thuốc kháng sinh để nhanh lành thương, tuy nhiên nếu đang mang bầu thì cần nói trước với bác sĩ để xem việc dùng thuốc có ảnh hưởng đến em bé không nhé.

Ngoài ra, chị em nên giữ tay chân sạch sẽ, tránh đi chân trần ở vùng đất cát, cắt móng gọn gàng nhưng đừng cắt quá sát vì có thể làm tổn thương da tay, đặc biệt là không kéo măng rô để hạn chế chín mé ngón tay chân. Chế độ ăn nhiều rau xanh, bông cải xanh, ớt chuông, các loại quả mọng như mâm xôi, dâu, việt quất cũng rất có ích vì chứa nhiều chất chống viêm tốt, giúp hạn chế tình trạng sưng viêm khi bị thương.
Chúc chị em, đặc biệt là các mẹ bầu giữ đầu ngón tay chân khỏi bệnh chín mé đáng ghét và lúc nào cũng vui tươi khỏe đẹp nha, em tổng chào cả nhà!
Nếu bạn có câu chuyện muốn chia sẻ với cộng đồng cha mẹ của Đi Cùng Con, đừng ngần ngại gửi về địa chỉ email chiase@dicungcon.vn. Mỗi đóng góp của bạn đều rất quý giá và sẽ giúp ích cho rất nhiều người đấy! |