
Phản xạ xuống sữa là phản ứng tự nhiên xảy ra bên trong cơ thể người mẹ cho con bú. Tôi nhận ra mình có thể kích thích phản xạ xuống sữa bằng cách giữ sức khỏe ổn định, tâm trạng thoải mái.
Tú Hảo
Lần đầu mang thai, tôi cũng khá xa lạ với cụm từ “phản xạ xuống sữa”. Mong muốn mang đến cho con điều tốt nhất, tôi không ngại cập nhật kiến thức mới. Từ đó, tôi biết thêm khái niệm phản xạ xuống sữa, cách kích thích phản xạ này để tăng lượng sữa mẹ trong quá trình cho con bú.
Phản xạ xuống sữa là gì?
Phản xạ xuống sữa là thời điểm sữa được “vận chuyển” từ vú mẹ ra ngoài. Khi trẻ bắt đầu bú, miệng và lưỡi tiếp xúc trực tiếp sẽ kích thích đầu vú và quầng vú. Tín hiệu thần kinh ở bầu ngực sẽ gửi đến não người mẹ. Nhờ đó, não bộ sản xuất hormone Oxytocin.
Oxytocin theo máu xuống bầu ngực làm các tế bào cơ xung quanh nang sữa và ống dẫn sữa co thắt, đẩy sữa vào xoang sữa và chảy ra ngoài từ các lỗ nhỏ ở đầu vú. Đây là phản xạ rất quan trọng, giúp sữa chảy ra ngoài thuận lợi, không gây ra tình trạng tắc tia sữa ở mẹ.

Tôi tin rằng dù mẹ cho con bú trực tiếp, vắt sữa bằng tay hay máy thì phản xạ này đều cần phải có.
Sức khỏe không ổn định, stress, mệt mỏi và không có nhiều thời gian bên cạnh con là nguyên nhân gây ức chế phản xạ xuống sữa. Các mẹ cũng cần lưu ý tránh sử dụng bia, rượu, thuốc lá vì có thể làm tuyến sữa hoạt động kém hiệu quả và ảnh hưởng xấu đến chất lượng sữa.
Làm sao kích thích phản xạ xuống sữa?
Thời điểm mới sinh con, tôi khá nhạy cảm, thường xuyên stress vì sợ không đủ sữa nuôi con. Xốc lại tinh thần, tôi tìm đến các phương pháp kích thích phản xạ xuống sữa và nó thực sự có tác động tích cực, hành trình nuôi bé cũng nhẹ nhàng hơn.
Uống nhiều nước: Đầu tiên, 90% thành phần sữa mẹ là nước, do đó các mẹ cần uống nhiều nước, đặc biệt là nước ấm. Trước khi con bú hoặc vắt sữa, mẹ nên uống 1 cốc sữa ấm hoặc 1 ly nước ấm.
Giữ tâm lý thoải mái: Bên cạnh xây dựng chế độ ăn uống hợp lý và dinh dưỡng, mẹ cần nghỉ ngơi nhiều hơn, giữ tâm lý thoải mái, tinh thần vui vẻ và ngủ đủ giấc. Khi cảm thấy “quá tải” thì đừng quên chia sẻ để nhận sự hỗ trợ từ người thân.

Massage ngực: Mẹ cũng nên tập thói quen massage bầu ngực và đầu vú để tăng cường tiết sữa. Có rất nhiều video hướng dẫn massage gọi sữa trên Internet, mẹ có thể tham khảo. Khi massage quanh bầu ngực, cơ thể sản sinh ra hormone Prolactin và Oxytocin kích thích sữa tiết ra nhiều hơn. Ngoài ra, massage giúp làm tan cục sữa ứ đọng (nếu có), từ đó sữa xuống nhiều và đều hơn, mẹ cũng tránh tình trạng tắc tia sữa gây đau tức ngực hoặc nặng hơn là áp-xe.
Cho con bú đúng cữ: Cho con bú đúng cữ cũng là cách để cơ thể nhận tín hiệu sản xuất sữa đều đặn. Bản thân tôi, sau khi bé bú tầm 2-3 giờ, sữa sẽ tái sản xuất. Mỗi cữ, các mẹ cho con bú hết 1 bên (chưa no thì qua bên ngực còn lại). Nếu ngựa chưa cạn sữa thì nên vắt tay hoặc hút máy nốt. Điều này giúp gửi tín hiệu để cơ thể tái sản xuất sữa, đồng thời tránh được tình trạng tắc tia sữa.
Rèn con bú đúng khớp ngậm: Trẻ ngậm vú sai khớp dễ khiến mẹ cảm thấy đau đớn, ảnh hưởng đến phản xạ xuống sữa và bé cũng không bú được lượng sữa mong muốn. Mẹ để đầu vú chạm môi trên của trẻ, sau đó trẻ sẽ há miệng và tìm cách ngậm núm vú theo phản xạ tự nhiên.
Nếu bạn có câu chuyện muốn chia sẻ với cộng đồng cha mẹ của Đi Cùng Con, đừng ngần ngại gửi về địa chỉ email chiase@dicungcon.vn. Mỗi đóng góp của bạn đều rất quý giá và sẽ giúp ích cho rất nhiều người đấy! |