
Vì mong muốn con hay ăn, chóng lớn, tôi từng có thời gian tìm đủ biện pháp “nhồi” con ăn mà không biết hành động này nếu kéo dài có thể gây ra chứng biếng ăn tâm lý.
Sương Mai
Sau thời gian hai mẹ con chật vật với cuộc chiến ăn uống ấy, tôi lo lắng tình trạng này kéo dài có thể khiến con chậm đà tăng trưởng so với bạn bè đồng trang lứa. Qua tìm hiểu và được bác sĩ tư vấn, tôi đúc kết được một vài thông tin sau muốn chia sẻ tới các phụ huynh.
Dấu hiệu trẻ biếng ăn tâm lý
Không khó để nhận biết các dấu hiệu của chứng biếng ăn tâm lý ở trẻ nhỏ. Các dấu hiệu phổ biến có thể kể đến:
- Trẻ không chịu ăn hết phần ăn hoặc bữa ăn kéo dài hơn 30 phút;
- Trẻ ăn ít hơn 50% khẩu phần so với tuổi;
- Trẻ ngậm thức ăn mà không chịu nhai, nuốt;
- Trẻ không tăng cân trong 3 tháng liền;
- Trẻ không có cảm giác đói...
Đặc biệt, tôi nhận ra dấu hiệu biếng ăn khi con có xu hướng từ chối thức ăn liên tục bằng những hành động như che miệng, quay mặt đi... thậm chí phản ứng dữ dội hơn như khóc lóc, nôn ọe...

Nguyên nhân gây biếng ăn tâm lý
Tình trạng biếng ăn có thể xuất hiện vào bất cứ lúc nào trong 3 năm đầu đời của trẻ, nhưng phổ biến nhất ở giai đoạn 9-18 tháng tuổi như bé nhà tôi đã từng. Đây là giai đoạn phần lớn các mẹ chuyển con từ “chế độ” được cho ăn sang tự ăn.
Nguyên nhân biếng ăn tâm lý còn liên quan đến nhu cầu của trẻ và cả cảm xúc của cha mẹ. Khi đã lớn, trẻ sẽ có nhu cầu tự chủ cao hơn, muốn tự quyết một số việc trong đó có cả ăn uống. Tôi nhận ra con nhiều khi né tránh việc ăn để thu hút sự chú ý của mình.

Bên cạnh đó, tình trạng sức khỏe của mẹ cũng có thể gây biếng ăn ở trẻ. Vào những ngày ốm, mệt hoặc tâm trạng không tốt, tôi thường không mấy nhiệt tình trong việc cho con ăn. Tôi không ngờ những cảm xúc tiêu cực này có thể ảnh hưởng đến bữa ăn của con mình.
Cách chữa biếng ăn tâm lý
Đầu tiên là hạn chế ép trẻ ăn. Đây là thói quen của phần lớn cha mẹ Việt, đặc biệt khi thấy con gầy, nhỏ hơn bạn bè đồng trang lứa. Tuy nhiên, việc ép buộc chỉ khiến bữa ăn trở thành cuộc chiến căng thẳng. Tình trạng sợ ăn của con sẽ tăng lên, chưa kể các nguy cơ như sặc cháo, thức ăn...
Vậy là thay vì ép ăn, tôi thử cho con ăn theo nhu cầu, mỗi bữa chỉ kéo dài tối đa khoảng 30 phút. Ban đầu tôi cũng khá xót con vì sợ bé đói, nhưng sau đó đã mạnh dạn dừng lại khi con không muốn ăn nữa. Lúc cảm thấy con đang đói, tôi cho bé ăn tiếp một phần nhỏ của bữa trước đó và chờ con hỏi xin một phần ăn tương tự.

Món ngon cho bé cũng cần được thay đổi một cách đa dạng. Việc ăn đi ăn lại một món ảnh hưởng đến vị giác của trẻ, lâu dần dẫn tới mất cảm giác thèm ăn.
Ngoài ra, tôi phát hiện ra rằng việc để bé ngồi ăn cùng cả nhà có thể khiến bé hào hứng hơn. Cách này vừa giúp hình thành sợ dây gắn kết cả nhà, vừa giúp rèn tính kiên nhẫn khi bé phải ngồi đến khi cả nhà ăn xong.
Nếu bạn có câu chuyện muốn chia sẻ với cộng đồng cha mẹ của Đi Cùng Con, đừng ngần ngại gửi về địa chỉ email chiase@dicungcon.vn. Mỗi đóng góp của bạn đều rất quý giá và sẽ giúp ích cho rất nhiều người đấy! |