
Bị la mắng thường xuyên có thể ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý của trẻ. Trẻ có thể trở nên tự ti hoặc nổi loạn và chống đối. Vậy làm sao để nuôi dạy con hiệu quả mà không phải sử dụng những lời lẽ nặng nề?
Tú Anh
Làm cha mẹ là một hành trình học hỏi không ngừng. Sau 3 năm làm mẹ, mình thực sự thấm thía điều đó. Từ khi con bước qua 1 tuổi, mình từng nhiều lần bực bội, cáu gắt và không kiềm chế được cơn giận trước những trò nghịch ngợm. Mình lớn tiếng, đôi khi còn nặng lời và sau đó cảm thấy vô cùng hối hận.
Mình tự trách bản thân đã không kiềm chế được cảm xúc và khiến con tổn thương. Mình còn lo những lời nói nặng nề sẽ để lại vết sẹo tâm lý trong lòng con.
Tại sao chúng ta dễ nổi giận với con?
Có rất nhiều lý do khiến người làm cha mẹ dễ nổi giận với con. Có thể do ta quá mệt mỏi sau một ngày làm việc vất vả, hoặc áp lực cuộc sống đè nặng lên vai, cũng có thể ta kỳ vọng quá nhiều ở con, hoặc đơn giản chỉ vì không biết cách kiểm soát cảm xúc của chính mình.

Nhưng dù lý do là gì, việc thường xuyên la mắng con có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Nó không chỉ làm tổn thương tâm hồn trẻ thơ mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của con sau này. Những đứa trẻ lớn lên trong một gia đình luôn căng thẳng thường có xu hướng tự ti, rụt rè hoặc nổi loạn, chống đối.
Làm thế nào để cha mẹ kiềm chế cơn giận?
Sau nhiều lần “vấp ngã”, mình dần rút ra một số kinh nghiệm để kiểm soát cơn giận khi đối diện với con.
Nhận biết tín hiệu báo động
Trước khi cơn giận bùng nổ, cơ thể chúng ta thường có những tín hiệu báo động như tim đập nhanh, mặt đỏ bừng, nói lớn tiếng… Khi nhận thấy những dấu hiệu này, hãy cố gắng hít thở sâu và chậm lại. Bố mẹ có thể tạm dừng mọi hoạt động và tìm một nơi yên tĩnh để thư giãn.
Đặt mình vào vị trí của con
Có bao giờ bạn tự hỏi tại sao con lại làm những điều khiến bạn tức giận, như không chịu dọn đồ chơi hoặc vẽ bậy lên tường, hoặc đơn giản chỉ là không nghe lời. Khi cơn giận trào dâng, chúng ta thường chỉ tập trung vào hậu quả của hành động đó, mà quên mất con cũng chỉ là một đứa trẻ đang trong quá trình khám phá và học hỏi.
Có lần con trai 3 tuổi của mình nghịch bút vẽ lem nhem lên bộ quần áo mới tinh. Mình như muốn bùng nổ. Nhưng rồi mình tự nhủ hãy bình tĩnh lại và đặt bản thân vào vị trí của con. Con còn quá nhỏ để hiểu được giá trị của một bộ quần áo mới, thay vào đó, chỉ đơn thuần tò mò muốn khám phá màu sắc và cảm giác vẽ bút màu lên vải. Mình đã nhẹ nhàng giải thích cho con hiểu tại sao việc làm đó là không nên và cùng con tìm cách khắc phục.

Tuy nhiên, việc đặt mình vào vị trí của con không có nghĩa chúng ta sẽ bao biện cho mọi hành vi sai trái. Ta vẫn cần dạy con về những quy tắc, giới hạn, nhưng hãy làm điều đó một cách nhẹ nhàng, kiên nhẫn và đầy yêu thương.
Giao tiếp một cách bình tĩnh, nhẹ nhàng
Khi con mắc lỗi, hãy hít thở sâu để lấy lại bình tĩnh, trò chuyện với con một cách nhẹ nhàng, giải thích cho con hiểu tại sao hành động đó là sai và hướng dẫn con cách sửa chữa.
Giao tiếp bình tĩnh không chỉ giúp ta kiểm soát cơn giận, mà còn giúp con cảm thấy được tôn trọng và lắng nghe. Khi chúng ta nói chuyện với con bằng giọng điệu bình tĩnh, con sẽ cảm thấy an toàn và sẵn sàng chia sẻ mọi thứ.
Tuy nhiên, điều này không phải lúc nào cũng dễ dàng. Có những lúc mình cảm thấy quá mệt mỏi hoặc tức giận đến nỗi khó có thể giữ bình tĩnh. Lúc này, mình sẽ niệm câu thần chú “Con đang quan sát và học hỏi, hãy kiềm chế để làm gương”.
Thay đổi chính mình để thay đổi con
Việc dạy con là một quá trình lâu dài và đòi hỏi sự kiên nhẫn, bao dung. Chúng ta không thể thay đổi con một sớm một chiều, nhưng có thể thay đổi chính mình.

Có một thời gian mình rất hay cáu với con. Mỗi khi con không nghe lời, mình lại nổi nóng và quát mắng. Mình nghĩ rằng làm vậy sẽ giúp con hiểu ra lỗi lầm. Kết quả hoàn toàn ngược lại. Con trở nên sợ hãi, thu mình và không còn muốn chia sẻ với bố mẹ nữa.
Sau nhiều lần thất bại, mình quyết định thay đổi cách tiếp cận. Thay vì đổ lỗi cho con, mình bắt đầu nhìn lại bản thân. Mình nhận ra chính mình là người cần thay đổi. Mình cần kiên nhẫn, thấu hiểu và yêu thương con hơn.
Mình bắt đầu dành nhiều thời gian hơn cho con, cùng con chơi các trò con thích, đọc sách cho con nghe và lắng nghe con chia sẻ những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống. Dần dần, mình nhận thấy những thay đổi tích cực ở con. Con trở nên tự tin, hòa đồng và biết lắng nghe người khác hơn.
Bình tĩnh, kiểm soát cảm xúc trong hành trình nuôi dạy con là một kỹ năng quan trọng mà bất cứ phụ huynh nào cũng cần rèn luyện. Con cái là món quà quý giá. Vì vậy hãy kiên nhẫn, bao dung và yêu thương con nhiều hơn bạn nhé!
Nếu bạn có câu chuyện muốn chia sẻ với cộng đồng cha mẹ của Đi Cùng Con, đừng ngần ngại gửi về địa chỉ email chiase@dicungcon.vn. Mỗi đóng góp của bạn đều rất quý giá và sẽ giúp ích cho rất nhiều người đấy! |