
Dạo gần đây con tôi đột nhiên không thích tắm. Mỗi ngày cứ đến giờ tắm là mẹ con lại rượt đuổi nhau khắp nhà. Vốn theo trường phái dạy con không đòn roi, tôi bình tĩnh nhìn lại cảm xúc của mình, đồng thời áp dụng một số phương pháp kỷ luật tích cực sau.
Tịnh Tâm Trà
Con trai tôi được 2 tuổi rưỡi, vốn là một đứa bé rất yêu thích tắm rửa. Ngày nhỏ, con thích tắm đến mức mẹ bế ra khỏi chậu nước liền nhăn mặt đòi tắm thêm. Ấy vậy mà dạo gần đây, cứ đến giờ tắm là con thì cố chạy trốn, mẹ thì bất lực chạy theo, hết thúc giục lại dụ dỗ đủ cách. Cuối cùng vẫn là con khóc lóc ăn vạ, nước mắt ngắn dài bị mẹ lôi vào nhà tắm.
Tôi liền cảm thấy chuyện này dường như không tốt lắm. Đúng hơn là tôi làm chưa tốt. Tôi bình tĩnh nhìn lại cảm xúc của chính mình. Có thể tôi đã khó chấp nhận việc con không còn giống như trước kia. Có thể tôi đã nóng vội, mong muốn con phải nhanh chóng vào nề nếp. Và... điều quan trọng là có lẽ tôi đã chưa từng thật sự trao cho con quyền làm chủ cơ thể con - một trong những quyền cơ bản của con người. Và đây là cách tôi khiến con không còn sợ tắm nữa.
1. Luôn báo trước
Hôm nay như mọi khi, gần đến giờ đi tắm, tôi thông báo với con: "Minh ơi, 5 phút nữa là đến giờ con đi tắm nhé". Con tôi theo thói quen lại co giò chạy trốn vào góc nhà. Tôi chỉ mỉm cười rồi tiếp tục công việc của mình.
2. Giữ thái độ bình tĩnh và đồng cảm
Thay vì nổi nóng, tôi chọn phương pháp dạy con không đòn roi, bình tĩnh và nhẹ nhàng. Hết 5 phút, tôi quay lại, ngồi xuống ngang tầm mắt con, đưa tay ra và giữ cho giọng nói dịu dàng mà kiên quyết: "Đã đến giờ tắm rồi. Chúng ta vào nhà tắm thôi".
Con bắt đầu rưng rưng nước mắt nói: "Không không, con không đi tắm".
Tôi nhẹ nhàng nói: "Mẹ biết con không muốn đi tắm. Con lo lắng và thấy không thoải mái phải không? Mẹ luôn ở bên con và mẹ sẽ bảo vệ con".

3. Chuyển hướng chú ý và tạo không khí vui vẻ
Tôi lấy mảnh giấy và gấp thành một chiếc thuyền nhỏ, sau đó nói với con: "Đây là thuyền đánh bắt cá xa bờ mang số hiệu M2021. Chúng tôi đang cần một thuyền trưởng. Không biết ngài Thái Minh đây có hứng thú ra khơi cùng chúng tôi hay không?".
Thấy con bắt đầu cười và đứng dậy, tôi tiếp tục: "Wow, rất vui vì ngài đã lên thuyền. Bây giờ chúng tôi sẽ xuất phát tại bờ biển phía Đông".
Và hai mẹ con tôi cùng chiếc thuyền giấy đi vào nhà tắm trong vui vẻ. Con thả thuyền xuống nước. Tôi thả thêm vài bạn tôm cá bằng nhựa vào chậu nữa. Chúng tôi đã có một "chuyến thám hiểm đại dương" thú vị.
4. Trao cho con quyền làm chủ cơ thể
Sau khi chơi đùa một lúc, tôi bắt đầu hướng dẫn con tự tắm rửa. Con được tự mình cầm vòi sen. Tôi nhận ra con không dám xịt nước lên đầu. Tôi nói: "Con không thích nước chảy xuống mặt phải không? Vậy con ngước nhìn lên trần nhà và tưởng tượng những chú hải âu đang bay lượn giữa bầu trời trong xanh. Có mấy chú hải âu nhỉ? Hải âu có màu gì vậy con?".
Và tôi đã gội đầu cho con trong tư thế con ngẩng mặt lên như vậy. Nước không chảy xuống mặt nên con rất thoải mái, cũng vui vẻ trả lời mẹ nữa. Tôi lập tức khen ngợi con: "Hôm nay Minh tự tắm thật giỏi. Việc tắm rửa mỗi ngày rất quan trọng. Mặc dù đôi khi nó không vui lắm, nhưng con đã thật sự làm rất tốt. Mẹ tự hào về con!".

Thế là từ đó, giờ tắm trở nên nhẹ nhàng hơn với mẹ con tôi. Con không bị ép buộc làm điều con không thích. Tôi cũng không phải hò hét chạy theo thúc giục con nữa. Đặc biệt, con tuổi này là đang tập quen dần với những kỹ năng tự tắm rửa như kỳ cọ, thoa xà phòng, tự lau khô người, tự mặc quần áo...
Tôi cũng học được một bài học: Mặc dù tâm lý trẻ em tuổi này là chưa biết cách kiểm soát cảm xúc của chính mình, nhưng con sẽ học được cách bình tĩnh thông qua thái độ của người lớn. Và mọi đứa trẻ đều thích vui chơi. Có thể bé không thích làm việc này việc nọ, nhưng chỉ cần chúng ta biến nó thành một trò chơi thú vị thì bé luôn sẵn sàng tham gia.
Ngoài trò chơi thuyền giấy kia, tôi còn bày những trò chơi như:
- "Truy tìm kho báu" (giấu đồ chơi trong nhà tắm và cùng con tìm).
- "Cuộc chiến tôm cua cá" (các con vật tranh nhau ai sẽ được tắm trước).
- "Lâu đài dưới đại dương" (dùng cốc nhựa xếp chồng lên nhau trong chậu tắm).
Mỗi ngày, nhờ có con mà tôi như được trở về tuổi thơ, sáng tạo hơn, vui tươi và thư giãn hơn. "Thật biết ơn con trai của mẹ!".
Sau cùng tôi nhận ra rằng, làm mẹ không phải chỉ chăm chăm uốn nắn con vào nề nếp, mà chính là khiến cho con trẻ cảm nhận được "Mẹ hiểu mình. Mẹ yêu mình và mẹ luôn giúp đỡ mình bất cứ lúc nào".