
Khi con gái bước vào giai đoạn hiếu kỳ với thế giới xung quanh, tôi bắt đầu tìm hiểu về các phương pháp giáo dục sớm. Montessori trở thành định hướng cho hành trình nuôi dạy con của tôi.
Minh Anh
Việc đầu tiên tôi làm là tìm hiểu kỹ kiến thức về phương pháp Montessori. Tôi đọc sách, tham gia các khóa học trực tuyến và trao đổi với các phụ huynh có cùng chí hướng. Từ đó, tôi bắt tay tạo ra một môi trường học tập lý tưởng cho con ngay tại ngôi nhà thân yêu.
Thiết kế không gian
Bước đầu tiên và quan trọng nhất là tạo một không gian sống an toàn, thu hút sự khám phá của bé. Tôi dành một góc nhỏ trong phòng khách - nơi có đủ ánh sáng tự nhiên và không gian rộng rãi - để làm điều này. Tại đây, tôi sắp xếp các đồ vật, đồ chơi theo chủ đề ở những vị trí bé có thể dễ dàng lấy và cất.
Tôi chia không gian thành các khu vực nhỏ: Khu vực xúc giác (với các hộp cát, nước, đồ vật có kết cấu khác nhau); khu vực ngôn ngữ (sách, thẻ chữ cái, trò chơi chữ); khu vực toán học (đồ chơi xếp hình, các vật liệu đếm); khu vực thực hành cuộc sống (đồ dùng nhà bếp nhỏ, chổi quét, khăn lau...).
Việc thiết kế một không gian Montessori tại nhà không đơn thuần là sắp xếp đồ đạc, mà còn phải tạo ra một môi trường học tập và vui chơi lý tưởng, nơi bé có thể tự do khám phá và phát triển.
Chuẩn bị giáo cụ
Tôi chọn đồ dùng Montessori chính hãng hoặc tự làm từ vật liệu có sẵn. Các đồ dùng này thường có thiết kế đơn giản, màu sắc tự nhiên và chức năng rõ ràng. Điều quan trọng là đồ phải được sắp xếp khoa học và hấp dẫn để thu hút sự chú ý của con.

Việc tự tay làm giáo cụ không chỉ tiết kiệm chi phí, mà còn giúp mẹ và bé có khoảnh khắc gắn kết đặc biệt. Một số giáo cụ đơn giản tôi đã làm cho con là bảng chữ cái bằng gỗ, các hình khối hoặc hộp phân loại hạt. Ngoài ra, những vật dụng quen thuộc như thìa, muỗng, bát, đĩa... cũng có thể trở thành giáo cụ thú vị.
Tạo ra các hoạt động hàng ngày
Cha mẹ có nhiều cách tạo ra các hoạt động để con trải nghiệm mỗi ngày.
- Hoạt động tự phục vụ: Tôi khuyến khích con tự làm mọi việc trong khả năng của mình như mặc quần áo, rửa tay, sắp xếp đồ chơi...
- Hoạt động khám phá: Tôi cung cấp cho con các vật liệu để khám phá như đất sét, lá cây, hạt đậu...
- Hoạt động sáng tạo: Tôi để con được tự do vẽ, tô màu, nặn đất sét...
- Hoạt động đọc sách: Tôi đọc sách cho con hàng ngày và tạo không gian ấm cúng để con tự do khám phá thế giới sách.

Vai trò của người làm cha mẹ
Vai trò của cha mẹ trong việc xây dựng lớp học Montessori tại nhà là vô cùng quan trọng.
- Quan sát và lắng nghe: Chúng tôi dành thời gian quan sát những hoạt động, lắng nghe các câu hỏi và chia sẻ của con. Điều này giúp tôi hiểu rõ sở thích và nhu cầu của con để đưa ra những hoạt động phù hợp.
- Hướng dẫn và hỗ trợ: Cha mẹ là người hướng dẫn con làm quen với các giáo cụ và hoạt động mới. Khi cần thiết, tôi sẽ hướng dẫn con cách sử dụng đồ dùng và thực hiện các hoạt động. Cha mẹ chỉ nên hướng dẫn cơ bản, tạo điều kiện cho con tự khám phá và tìm ra câu trả lời.
- Tham gia cùng con: Việc chơi cùng con là cách tuyệt vời để giúp trẻ phát triển toàn diện. Cha mẹ có thể kết hợp hoạt động chơi với các bài học Montessori để con học hỏi theo cách tự nhiên và thú vị.
- Kiên nhẫn và yêu thương: Hãy kiên nhẫn và yêu thương con vô điều kiện. Sự kiên nhẫn của cha mẹ sẽ giúp con vượt qua những khó khăn và thất bại.
Áp dụng phương pháp Montessori tại nhà là một hành trình dài, đòi hỏi sự kiên nhẫn của cả gia đình. Trong suốt quãng thời gian ấy, tôi không ngừng học hỏi và điều chỉnh phương pháp để phù hợp với sự phát triển của con.
Sau 2 năm kiên trì, tôi nhận thấy sự thay đổi rõ rệt của con. Montessori vừa giúp trẻ phát triển trí tuệ, vừa hình thành những phẩm chất tốt đẹp như tự lập, tự tin, yêu thương và tôn trọng người khác.
Nếu bạn có câu chuyện muốn chia sẻ với cộng đồng cha mẹ của Đi Cùng Con, đừng ngần ngại gửi về địa chỉ email chiase@dicungcon.vn. Mỗi đóng góp của bạn đều rất quý giá và sẽ giúp ích cho rất nhiều người đấy! |