
Trẻ tuổi mầm non rất hiếu động, luôn tò mò khám phá xung quanh. Vì vậy, cha mẹ cần lưu ý chăm sóc, tổ chức các hoạt động vui chơi, giáo dục sao cho an toàn, phòng tránh tai nạn thương tích.
Trong nhiều kỹ năng phòng tránh tai nạn, việc dạy trẻ cách phòng tránh điện giật và các vết thương từ vật sắc nhọn là rất quan trọng để đảm bảo an toàn cho bé.
1. Dạy trẻ phòng tránh điện giật
• Giải thích về điện: Cho trẻ biết điện rất cần thiết nhưng cũng có thể nguy hiểm nếu không dùng đúng cách, ví dụ: "Điện giúp nhà mình có ánh sáng, có quạt mát, nhưng nếu không cẩn thận thì điện có thể làm mình đau hoặc bị thương, con nhé".
• Hướng dẫn tránh xa ổ điện: Nhắc trẻ không thò tay vào ổ cắm hoặc nghịch dây điện, ví dụ: "Ổ điện không phải đồ chơi đâu, mình không được thò tay hay que vào nhé!"
• Không chạm vào đồ điện khi tay ướt: Giải thích rằng nước dẫn điện và có thể gây nguy hiểm, ví dụ: "Tay con ướt thì không tự ý bật quạt hay chạm vào công tắc nha, sẽ đau đấy".
• Chỉ sử dụng thiết bị điện với sự giám sát của người lớn: Trẻ chỉ được bật đèn, quạt hoặc các thiết bị đơn giản khi có sự cho phép. Ví dụ: “Dùng đồ điện cần người lớn đi cùng. Con muốn dùng thì gọi bố mẹ giúp con nhé".
• Nhận biết dấu hiệu nguy hiểm: Dạy trẻ cách nhận biết dây điện bị hở, chập cháy và báo ngay cho người lớn. Ví dụ: “Nếu con thấy dây điện bị sờn, bị cháy, hay có khói, con không chạm vào mà gọi bố/mẹ liền nhé".
2. Dạy trẻ phòng tránh vết thương do vật sắc nhọn
Giữ khoảng cách với dao, kéo: Trẻ không được tự ý cầm dao, kéo mà cần sự hướng dẫn của người lớn, ví dụ: “Các con còn nhỏ chưa biết tự sử dụng dao, kéo. Dao và kéo rất sắc, nếu con dùng không cẩn thận có thể làm con bị thương. Vì vậy, con chỉ được dùng khi có bố mẹ hoặc người lớn hướng dẫn."
Dạy con nhận biết vật sắc nhọn nguy hiểm: Giải thích về kính vỡ, đinh nhọn, kim loại sắc để trẻ tránh xa, ví dụ:
+ "Kính rất đẹp nhưng khi bị vỡ thì có thể làm tay bị rách và chảy máu. Nếu con thấy kính bị vỡ, hãy gọi bố mẹ ngay và không chạm vào nhé."
+ "Đinh rất nhỏ nhưng rất nguy hiểm. Nếu con dẫm phải, chân con có thể bị đau và nhiễm trùng. Vì vậy, con phải luôn đi dép và không chơi với đinh."
+ “Một số đồ vật bằng kim loại có cạnh sắc như dao, kéo, lon nước ngọt bị cắt ra. Nếu chạm vào, con có thể bị đứt tay. Hãy để người lớn xử lý những đồ vật này giúp con”.

Cẩn thận khi chơi đồ chơi: Dạy trẻ kiểm tra đồ chơi trước khi chơi để tránh những vật có cạnh sắc, ví dụ: "Trước khi chơi đồ chơi, con hãy nhìn thật kỹ xem đồ chơi có chỗ nào sắc nhọn không. Nếu thấy có cạnh sắc, con không nên chơi và báo ngay cho bố mẹ."
Học cách xử lý vết thương nhỏ: Nếu bị trầy xước, trẻ nên biết cách rửa sạch và báo ngay cho bố mẹ, ví dụ: "Nếu con chẳng may bị vết xước nhỏ con có thể dùng xà phòng để rửa nhẹ nhàng, nhưng không chà xát mạnh vì có thể làm đau hơn và hãy nói cho bố mẹ biết để kiểm tra giúp con chăm sóc thêm nhé!"
Hy vọng những lưu ý trên sẽ giúp cha mẹ đảm bảo an toàn cho trẻ, đồng thời trang bị cho con những kỹ năng sống cần thiết. Chúc cha mẹ luôn vững vàng và thành công trên hành trình nuôi dạy con khỏe mạnh, an toàn!
Bình luận