
Tôi tin thái độ của bé lớn về việc có em phụ thuộc rất nhiều vào cách cư xử, sự quan tâm công bằng của bậc cha mẹ.
Mỹ Duyên Bình Định
Khi con trai lớn gần 2 tuổi, tôi sinh bé thứ hai. Ban đầu tôi khá lo lắng vì con trai còn nhỏ, dễ bị ảnh hưởng tâm lý. Con đang là “trung tâm” của cả nhà, không phải chia sẻ tình cảm với ai. Sự xuất hiện của em dễ khiến con tủi thân, có cảm giác bị bỏ rơi vì nghĩ bố mẹ thương em nhiều hơn.
Do đó, tôi tìm hiểu nhiều cách để cân bằng tình cảm cho các con, làm thế nào để cả hai đều không thấy thua thiệt. Sau đây là một số mẹo nhỏ tôi đã áp dụng và thành công. Trộm vía, đến giờ, hai bé vẫn yêu thương, nhường nhịn nhau.

Đầu tiên, tôi tỉ tê chuyện con sắp có em trai. Dù tò mò, mong muốn có em đến nào, bé lớn vẫn sẽ có cảm giác ghen tỵ khi mẹ chia sẻ thời gian, tình cảm cho em. Vì vậy từ lúc bầu, tôi luôn nói với con: “Con sắp làm anh rồi, trong bụng mẹ có một em bé đáng yêu này”, “Em yêu con lắm, con nói chuyện với em đi”. Tôi cũng hay thủ thỉ về việc con sắp có thêm người cùng ăn, cùng chơi.
Bé em ra đời, tôi vẫn sắp xếp dành thời gian cho bé lớn. Tôi kể chuyện, hát cho con lớn nghe, ôm hôn con trước khi đi học, trước khi ngủ… để bé biết rằng mình vẫn được yêu thương, kể cả khi có thêm em. Mua bất cứ món quà gì, tôi cũng chia đều cho 2 bé.

Đặc biệt, tôi luôn cố gắng kiềm chế cơn giận và tránh la mắng con. Việc chăm con bé mệt mỏi, lại thêm bạn lớn hay nhõng nhẽo dễ khiến mẹ stress và cáu giận. Những lúc như vậy, tôi luôn cố gắng kiên nhẫn giải thích rằng mẹ đang rất mệt nhưng mẹ vẫn yêu thương con.
Điều cấm kỵ nhất là không nói lời tổn thương con. Vì con còn quá nhỏ, chưa hiểu chuyện, tôi dặn người nhà không trêu đùa mấy câu như “Mẹ thương em nhiều hơn”, “Khi có em con sẽ bị ra rìa”…

Tôi luôn để con cùng tham gia chăm em. Ví dụ, tôi để anh lớn massage lưng cho em bằng bông tắm, bé sẽ thấy như đang được vui chơi cùng em. Tôi nhờ con lấy giúp mẹ quần áo, tã, sữa cho em và không quên cảm ơn, khen con giỏi. Tập cho con biết chia sẻ đồ chơi, thức ăn với em. Có hôm tôi ngạc nhiên xen lẫn hạnh phúc khi thấy anh lớn dỗ “nín đi, nín đi” lúc em khóc.
Để con không tủi thân và thu mình lại khi gia đình có thêm thành viên mới, các mẹ đừng quên tìm hiểu, chuẩn bị kỹ lưỡng ngay từ khi có kế hoạch sinh em bé và kiên nhẫn giúp con lớn biết quan tâm, yêu thương em ngay từ khi còn trong bụng mẹ nhé!