

Một trong những thắc mắc của rất nhiều mẹ là làm thế nào để tăng lượng sữa của mình. Chè vằng hay các loại bột ngũ cốc, cốm lợi sữa, súp ninh chân các loài đồng vật... có tác dụng không? Bác sĩ Sữa mẹ Anh Thy giải đáp như sau.
HỎI: Có những loại thực phẩm, thức uống nào giúp lợi sữa thưa bác sĩ?
ĐÁP: Cơ chế tạo sữa không phụ thuộc vào thực phẩm, mà lại phụ thuộc vào nhu cầu của em bé. Nghĩa là mẹ muốn có nhiều sữa, bé bú càng nhiều thì cơ thể sẽ hiểu nhu cầu của bé để tạo đủ sữa cho bé. Đối với những trường hợp bé không bú trực tiếp thì các mẹ cần hút sữa 8-12 lần trong 1 ngày để kích sữa tăng nhiều hơn. Hút sữa là một kỹ năng cần phải học hỏi, cần phải quen, không tự nhiên nên hiệu quả kích sữa bằng máy sẽ chậm hơn rất nhiều so với việc để cho em bé bú trực tiếp.
Trên thế giới, có một số loại thảo mộc đã được nghiên cứu có tác dụng lợi sữa. Ở Việt Nam, ngành sữa mẹ chưa phát triển như các nước khác nên chúng ta chưa có đủ thông tin để biết loại thực phẩm nào thực sự lợi sữa và liệu có kèm những tác dụng phụ gì. Hơn nữa, các mẹ nên lưu ý là dù mẹ có ăn thật nhiều loại thực phẩm thực sự lợi sữa nhưng không cho bé bú hay không hút sữa nhiều lần trong ngày (bé không bú trực tiếp) thì sữa sẽ không bao giờ tăng.

Một lưu ý cuối cùng cho các mẹ (và cả người nhà, nhất là các bà) là súp ninh chân các loài động vật không có tác dụng lợi sữa như các mẹ nghĩ, ngược lại khi ăn quá nhiều sẽ khiến cho các mẹ càng ngày càng béo hơn mà sữa cũng không tăng được vì mẹ không tích cực cho bú hay hút sữa. Bên cạnh đó, đồ béo còn làm tăng nguy cơ tắc tia. Tóm lại, muốn có nhiều sữa thì không cách nào khác là phải cho bé bú nhiều hoặc hút sữa nhiều trong ngày.
HỎI: Ngoài băn khoăn về số lượng sữa, rất nhiều mẹ quan tâm đến chất lượng sữa và lo sữa bị nóng, bị hoi. Bác sĩ có lời khuyên nào về chế độ dinh dưỡng của mẹ cho bé bú không ạ?
ĐÁP: Khi cho bé bú mẹ, các mẹ chỉ cần ăn uống đủ các nhóm chất, ăn chín uống sôi, không cần thiết phải ăn gấp 2 hay gấp 3 bình thường. Không đế bị đói, không để bị khát là được. Khi ăn phong phú mẹ cảm thấy ngon miệng, ăn được nhiều, tinh thần thoải mái, giúp cho việc sản xuất sữa được thuận lợi. Nếu ăn uống kiêng cữ, ví dụ suốt ngày chỉ có thịt nạc, rau ngót thì nhiều mẹ trở nên chán ăn, khi chán ăn thì ăn không nhiều, tinh thần cũng không thoải mái, như vậy là lợi bất cập hại.
Về việc sữa nóng sữa mát, sữa loãng sữa đặc, sữa hôi thì mình khẳng định luôn một điều là không có sữa nóng sữa mát, sữa loãng sữa đặc. Sữa trong ngực mẹ bao gồm nhiều tế bào sống, như bạch cầu, kháng thể... nên không có chuyện sữa để lâu trong ngực me sẽ bị hôi, bị hỏng. Một cữ bú trực tiếp của bé sẽ bao gồm sữa đầu và sữa sau. Sữa đầu thì trong còn sữa sau thì rất đục. Cả 2 loại sữa này đều quan trọng đối với bé, bé cần bú cân bằng cả sữa đầu và sữa sau, không bỏ đi cái nào.
Một số mẹ nặn sữa thấy ngực mình ra sữa trong thì lại nghĩ do sữa mình loãng mà không biết đó chính là sữa đầu, chứ không phải sữa mình bị loãng. Sự hấp thu sữa mẹ mỗi bé mỗi khác, cũng giống như người lớn mình có người ăn nhiều lắm và vẫn không mập, có người ăn cực kỳ ít mà vẫn cứ mập. Cho nên không phải bé nào bú sữa mẹ cũng sẽ "sổ sữa" như mong muốn của mẹ. Chỉ cần bé phát triển đúng chuẩn trong độ tuổi của bé (các mẹ theo dõi bảng phát triển cân nặng, chiều cao, vòng đầu của Tổ Chức Y Tế Thế Giới) là được.
HỎI: Hiện nay các mẹ có phong trào cho tặng sữa mẹ trữ đông. Theo bác sĩ bố mẹ nên lưu ý những gì khi cho/tặng sữa?
ĐÁP: Trên thế giới, các ngân hàng sữa mẹ đòi hỏi mẹ tặng sữa phải làm một số xét nghiệm như HIV, viêm gan siêu vi B, viêm gan siêu vi C... Sau khi đảm bảo sức khỏe của mẹ thì ngân hàng sữa mẹ mới nhận sữa của người mẹ này. Khi nhận sữa, ngân hàng còn kiểm tra chất lượng sữa, xử lý sữa theo đúng quy trình đề ra để đảm bảo chất lượng cũng như đảm bảo vệ sinh.
Khi các mẹ nhận sữa từ một mẹ, mẹ cần tìm hiểu một cách khéo léo về các xét nghiệm, bệnh lý mà người mẹ đó có mắc phải, tìm hiểu cách mẹ hút sữa có đúng cách, có trữ sữa cân bằng cả sữa đầu và sữa sau trong cùng 1 bịch đó (hay chỉ có sữa đầu), cách mẹ bảo quản sữa có đúng, vận chuyện sữa có an toàn? Khi đảm bảo được các khâu đó thì sữa mới được gọi là an toàn. Trước khi cho bé bú, mẹ có thể thanh trùng sữa để đảm bảo an toàn cho bé.

HỎI: Trong quá trình đồng hành cùng các mẹ nuôi con bằng sữa mẹ, có kỷ niệm nào bác sĩ thấy đáng nhớ nhất?
ĐÁP: Không chỉ thiếu sữa các mẹ mới tìm đến chị. Có mẹ nhiều sữa quá cũng tìm đến chị. Mẹ bị tắc tia nhiều lần trong 1 tháng, đến nỗi tìm gặp và xin tôi giúp cai sữa cho bé, lúc đó bé được gần 4 tháng tuổi.
Quá nhiều sữa là một trong những nguyên nhân gây tắc tia. Người mẹ này 1 ngày dư gần 1 lít sữa do lạm dụng máy hút sữa, hút sữa thêm sau mỗi lần con bú. Tôi đã phải thuyết phục mẹ đừng bỏ cuộc, nghe lời tôi một lần này thôi. Tôi giúp mẹ giải quyết tắc tia và giảm sữa, không lạm dụng máy hút sữa. Kết quả là mẹ làm được, khi sữa chỉ còn dư khoảng 100 ml/ngày, mẹ không còn bị tái tắc, duy trì sữa mẹ cho con được gần 1 tuổi rồi.
HỎI: Cuối cùng, bác sĩ có lời khuyên gì dành cho các bà mẹ đang mang thai và đang cho con bú ạ?
ĐÁP: Sau khi sinh, các mẹ cần cho bé bú mẹ ngay khi bé và mẹ được về cùng phòng. Những ngày đầu này cho bé bú trực tiếp sẽ giúp làm trống ngực mẹ, quá trình tạo sữa sẽ được diễn ra thuận lợi, sữa mẹ sẽ tăng nhanh chóng để sản xuất đủ cho bé vào những ngày sau đó. Sữa non đã được tạo ra từ 3 tháng cuối thai kỳ rồi, nên mẹ chỉ việc cho bé bú, mặc cho ngực mình còn rất mềm vào 1-2 ngày đầu tiên.
Khi mang thai mẹ cần tìm hiểu các kiến thức về sữa mẹ sớm, để bớt bối rối khi ôm con, để tự tin biết con thế nào là bú đủ. Khi cho con bú tích cực, ăn uống đủ chất, tinh thần thoải mái sẽ giúp mẹ đủ sữa cho bé.
Bài viết được tư vấn bởi BS Lê Ngọc Anh Thy - Bác sĩ Sữa Mẹ, Founder của Trung tâm Tư vấn Sữa Mẹ BMC. --- Nếu bạn đang công tác trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em và có câu chuyện muốn chia sẻ với Đi Cùng Con, xin vui lòng gửi về địa chỉ email chiase@dicungcon.vn. Mỗi đóng góp của bạn sẽ giúp ích cho rất nhiều cha mẹ trên hành trình nuôi dạy con. |