

Với thời gian nghỉ thai sản 6 tháng, việc duy trì cho con bú trực tiếp khó khả thi với nhiều mẹ. Biết bảo quản sữa đúng cách sẽ giúp hành trình nuôi con bằng sữa mẹ thuận tiện, dài lâu hơn.
Dù mẹ phải sớm quay lại với công việc, muốn hút sữa để giảm căng tức hay đơn giản là hút sữa để có thể ngủ một giấc xuyên đêm, gia đình đều phải làm quen với cách hút và bảo quản sữa mẹ. Đặc biệt trong mùa hè oi bức dễ sinh sôi vi khuẩn này, bảo quản sữa mẹ đúng cách sẽ cho con những bữa ăn ngon, dinh dưỡng đầy đủ mà mẹ cũng đỡ vất vả hơn.
Sữa mẹ cấp đông có mất chất không?
Nhiều mẹ lo lắng liệu sữa được bảo quản, cấp đông có còn đầy đủ dinh dưỡng như sữa mới vắt không? Theo nghiên cứu, thành phần dinh dưỡng, kháng thể trong sữa để ngăn mát hay cấp đông sẽ không thay đổi đáng kể nếu bạn tuân thủ theo các hướng dẫn bảo quản đúng.
Các nghiên cứu cho thấy sữa mẹ sau khi hút ra được cấp đông trong vòng 90 ngày, cho dù có sự thay đổi nhẹ về chất béo, protein và năng lượng so với sữa mẹ tươi nhưng vẫn đảm bảo cho sự phát triển của bé.

“Công thức Số 3” thời gian trữ sữa
Nếu bé ti bỏ dở, hoặc mẹ hút ra nhưng chưa đến cữ bé ăn thì mẹ có thể trữ sữa cho con dùng sau. Tuy nhiên, trong trường hợp bé bú còn dư, sữa đã dính nước bọt của bé nghĩa là vi khuẩn đã có cơ hội sinh sôi, thì lượng sữa đó nên sử dụng hết trong 1 giờ, không thì ba mẹ nên bỏ đi.
“Công thức Số 3” giúp mẹ dễ nhớ về thời gian trữ sữa: Sữa mới vắt ra để được 3 giờ ở nhiệt độ phòng, để ngăn mát tủ lạnh tầm 3 ngày, ngăn đá được 3 tháng.
Với sữa để ở nhiệt độ phòng, mẹ có thể dùng khăn ướt quấn quanh bình chứa để giúp nhiệt độ sữa mát lâu hơn. Với sữa trữ trong tủ lạnh, bạn nên trữ sâu bên trong, không để sữa ở cánh cửa vì sẽ mở ra đóng lại nhiều lần, không đảm bảo nhiệt độ ổn định.
Đối với sữa rã đông, nếu chưa dùng ba mẹ nên bảo quản ở ngăn mát, không để ở nhiệt độ phòng, không cấp đông lại.
Lưu ý khi bảo quản, cấp đông sữa mẹ
- Sữa chứa trong chai hay túi trữ sữa đều phải chừa khoảng trống tầm 2,5 cm phía trên để có chỗ cho sự giãn nở của chất lỏng. Khi dùng túi, để tiết kiệm không gian tốt nhất, bạn có thể đặt túi nằm chồng lên nhau.
- Nên chứa 60-120 ml cho một chai, một túi hay tương đương 1 cữ bú của bé. Điều này giúp việc rã đông về sau được nhanh chóng, dễ dàng và tránh lãng phí.

- Ba mẹ nên ghi ngày tháng hút sữa lên bình, túi để biết ngày hết hạn.
- Không trộn sữa mới vắt vào chung với sữa cấp đông hay sữa đang để ngăn mát. Vì sữa cần được bảo quản lạnh để ức chế sự phát triển của vi khuẩn. Nếu bạn đổ sữa mới vắt vào sữa đang lạnh, sữa trong tủ lạnh sẽ dần ấm lên, không tốt cho quá trình bảo quản sữa.
- Các cữ sữa vắt được ở những thời điểm khác nhau trong ngày nên được làm lạnh cùng nhiệt độ trước rồi mới trộn chung, sau đó có thể cấp đông.
Rã đông thế nào cho đúng?
Về cách rã đông sữa mẹ, gia đình có thể làm theo 2 cách:
Rã đông nhanh: Cho chai/túi sữa chảy dưới vòi nước ấm (không dùng nước quá 40 độ C) hoặc cho vào một tô nước ấm (không dùng nước quá 40 độ C), thay nước ấm thường xuyên để giúp sữa mau rã đông, cho đến khi rã đông hoàn toàn.
Rã đông chậm: Mẹ cho sữa từ ngăn đông xuống ngăn mát, có thể mất 8-12 giờ để rã đông hoàn toàn. Bạn nên sử dụng cách rã đông chậm bởi việc thay đổi nhiệt độ từ từ sẽ giúp các chất trong sữa mẹ được giữ ở trạng thái tốt nhất. Ngoài ra, nghiên cứu cũng chỉ ra việc rã đông nhanh sẽ khiến lượng chất béo trong sữa mẹ giảm đi nhiều.

Cách làm ấm sữa mẹ
- Cho chai/túi sữa vào một tô nước ấm (không dùng nước quá 40 độ C), thay nước ấm thường xuyên để giúp sữa mau ấm. Hoặc ba mẹ có thể dùng máy hâm sữa, nhiệt độ của máy chuẩn và ổn định giúp tiết kiệm thời gian.
- Nhỏ sữa lên mặt trong cẳng tay, khi thấy vừa là nhiệt độ có thể cho bé bú.
*Nội dung trích lược từ sách “Tận hưởng hành trình nuôi con sữa mẹ” Tác giả: BS Lê Ngọc Anh Thy - Bác sĩ Sữa Mẹ, Founder Trung Tâm Tư vấn Sữa Mẹ BMC. |