
Có những bé 25 tháng đi nhà trẻ vẫn chưa biết ăn cơm, ăn gì cũng nhả bã, không chịu nuốt. Điều này có thể do nhiều nguyên nhân, nhưng phụ huynh đừng quá lo lắng vì vẫn có cách giúp con cải thiện.
Cô giáo Minh Thu
Một số trẻ có phản xạ nhai nuốt kém hoặc chưa thích nghi được với thức ăn thô, do đó gặp chút khó khăn khi đi nhà trẻ. Lúc này bố mẹ cần rèn cho con, đồng thời phối hợp với các cô giáo ở lớp. Bố mẹ đừng nghĩ tới phương án gửi cháo đến lớp vì hầu hết nhà trường sẽ không nhận đồ ăn ngoài để đảm bảo an toàn vệ sinh.
Từ kinh nghiệm tiếp xúc với nhiều trẻ có tình trạng như trên, tôi xin chia sẻ một số hướng giải quyết để bố mẹ tham khảo.
Xác định nguyên nhân
- Thói quen ăn uống: Con bạn có quen ăn cháo xay nhuyễn quá lâu không? Nếu không được cho ăn thô đúng giai đoạn, trẻ có thể chưa biết cách xử lý thức ăn cứng, đặc hơn cháo.
- Vấn đề răng miệng: Kiểm tra xem trẻ có đau răng, sún răng hoặc vấn đề về nướu không. Bố mẹ nên đưa con đi nha khoa để được khám kỹ lưỡng.
- Vấn đề tiêu hóa: Nếu trẻ bị rối loạn tiêu hóa, trào ngược dạ dày, táo bón hoặc đầy hơi, trẻ có thể sợ nhai nuốt.
- Thiếu chất: Thiếu kẽm hoặc các vi chất khác có thể khiến trẻ biếng ăn.
>> Đọc thêm:
Nấu đồ ăn dặm, mẹ lưu ý lộ trình tăng thô
Ăn thô muộn - sai lầm trong ăn dặm
Giúp trẻ làm quen với thức ăn thô
- Chuyển đổi dần dần: Nếu trẻ chỉ quen ăn cháo, bố mẹ cần giảm độ nhuyễn của cháo từng chút một, chuyển sang cháo hạt vỡ và đặc dần, cơm nát rồi mới đến cơm thường. Ở trường, ví dụ nơi tôi đang công tác, bếp sẽ nấu cơm nát cho nhóm trẻ 24-36 tháng để các con tập làm quen (với các cháu chưa ăn thô tốt).
- Tăng cường nhai: Cho trẻ ăn bánh mì mềm, bánh quy tan, trái cây mềm (chuối, xoài chín), bún, phở cắt nhỏ để kích thích kỹ năng nhai.
- Cho trẻ tự ăn: Cho trẻ bốc ăn, dùng thìa tự xúc để tạo hứng thú với ăn uống.

Đa dạng thực đơn, kích thích vị giác
Ở nhà, bố mẹ có thể chế biến món ăn thành hình dáng đẹp mắt, thay đổi cách nấu như làm cơm nắm, cơm cuộn, cơm viên nhỏ cùng thịt băm, rong biển… cho trẻ dễ nhai.
Song song đó, cần tạo môi trường ăn uống tích cực: Không dùng điện thoại, không ép buộc, để trẻ tự điều chỉnh lượng ăn chứ đừng ép ă. Hãy biến bữa ăn thành trò chơi nhẹ nhàng để trẻ có hứng thú.
Kiểm tra vi chất, bổ sung nếu cần
Thiếu kẽm và vitamin D có thể khiến trẻ biếng ăn. Cha mẹ có thể cho trẻ đi kiểm tra và bổ sung theo tư vấn của bác sĩ.
Kiên trì và không sốt ruột
Trẻ cần thời gian để học nhai nuốt, vì thế phụ huynh hãy kiên nhẫn và tạo cơ hội cho trẻ thử nhiều loại thức ăn khác nhau. Nếu đã thử nhiều cách nhưng trẻ vẫn không cải thiện, có thể đưa trẻ đi khám dinh dưỡng để kiểm tra sâu hơn.
Bài viết được chia sẻ bởi cô Minh Thu - Tổ trường chuyên môn, giáo viên mầm non tại Hà Nội Nếu bạn đang công tác trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em và có câu chuyện muốn chia sẻ với Đi Cùng Con, xin vui lòng gửi về địa chỉ email chiase@dicungcon.vn. Mỗi đóng góp của bạn sẽ giúp ích cho rất nhiều cha mẹ trên hành trình nuôi dạy con. |