

Khi con nằm nhiều bị méo đầu, cha mẹ không nên quá lo lắng. Bởi việc méo đầu chỉ ảnh hưởng về thẩm mỹ, không ảnh hưởng tới não bộ và tình trạng sức khỏe của trẻ.
Nhiều cha mẹ quan sát thấy đầu con nhỏ bị méo và cảm thấy rất lo lắng, không biết lớn lên có hết hay không. Nhiều người cũng cho rằng nguyên nhân méo đầu là do nằm nhiều. Điều này liệu có đúng?
Đầu tiên chúng ta phải nói về nguyên nhân khiến trẻ méo đầu. Một số trẻ bị méo đầu do mẹ đẻ thường qua đường dưới. Khi đó, hình dạng đầu của trẻ sơ sinh bị thay đổi khi đi qua đường âm đạo chật hẹp của mẹ.
Ngoài ra, các cụ từ xưa thường cho rằng trẻ méo đầu do nằm nghiêng một bên. Ở trẻ sơ sinh, xương vùng sọ còn mềm, nếu để trẻ nằm nghiêng một bên (trái hoặc phải) trong thời gian dài có thể khiến đầu trẻ bị thay đổi hình dạng như méo bên phải hoặc bên trái theo hướng bé nằm.
Những trường hợp méo đầu như thế này khá nhiều và thường khoảng 3-4 tháng mới bị méo. Bởi đây là khoảng thời gian bé nằm nghiêng nhiều. Dù đầu bị méo, trẻ sơ sinh vẫn hoàn toàn bình thường. Việc méo đầu chỉ ảnh hưởng đến hình dáng thẩm mỹ bên ngoài chứ không ảnh hưởng đến não bộ và sự phát triển của trẻ. Đa phần theo dõi kỹ về sau, lớn lên, đầu của trẻ lại bình thường. Do đó, nếu xuất phát từ nguyên nhân này, việc trẻ bị méo đầu là không đáng lo. Cha mẹ không cần chữa trị.
Tuy nhiên, một số trẻ bị méo đầu có thể do bị còi xương, thì lúc này cha mẹ cần đưa trẻ đi khám và điều trị theo tư vấn của bác sĩ.

Ở một số trẻ sinh ra đã được phát hiện bị méo đầu, nguyên nhân lại xuất phát từ bệnh lý, có thể là do một số dị tật ở xương sọ. Khi đó trẻ có thể cần được điều trị ngoại khoa. Chẳng hạn: Đầu bé sơ sinh bị méo do dị tật dính khớp sọ, hội chứng dính đa khớp, teo não… Những trường hợp này cần được chữa trị.
Do đó, nếu thấy trẻ sơ sinh bị méo đầu từ khoảng tháng thứ 3-4 trở đi, nguyên nhân dễ nhận biết là do nằm nghiêng nhiều, cha mẹ không cần lo lắng. Tại nhà, có thể áp dụng một số biện pháp sau để giảm tình trạng méo đầu và có thể giúp hình dạng đầu của trẻ tròn trở lại:
- Thường xuyên thay đổi tư thế khi cho trẻ ngủ hoặc bú, tránh tình trạng nằm nghiêng một bên quá nhiều. Cha mẹ cần để ý dáng ngủ và chỉnh lại cho con.
- Có thể bế trẻ thay vì cho trẻ nằm nhiều. Việc bồng bế lúc trẻ thức giúp giảm áp lực lên sọ trẻ.
- Với tư thế nằm, có thể cho trẻ nằm sấp lúc ngủ dưới sự quan sát và theo dõi của cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ trong thời gian ngắn để làm giảm áp lực lên não bộ.
Mọi lo lắng khác, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám để được tư vấn phù hợp với tình trạng của trẻ.
Nội dung được chia sẻ bởi PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - Phó Chủ tịch Hội Hô hấp Nhi Việt Nam; Nguyên Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai. Nếu bạn đang công tác trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em và có câu chuyện muốn chia sẻ với Đi Cùng Con, xin vui lòng gửi về địa chỉ email chiase@dicungcon.vn. Mỗi đóng góp của bạn sẽ giúp ích cho rất nhiều cha mẹ trên hành trình nuôi dạy con. |