
Theo bác sĩ, hầu hết các trường hợp dư ối nhẹ không có gì đáng lo ngại. Tuy nhiên, mẹ bầu cần theo dõi thai kỳ sát sao để đảm bảo sức khỏe tốt cho đến ngày sinh nở.
Mẹ Bánh Bao

Đa ối là gì?
Trong một lần siêu âm định kỳ ở tuần 18, bác sĩ nhìn tôi với ánh mắt có chút lo lắng: "Em bị đa ối nhé!". Lúc đó, dù khá lắng lo, tôi vẫn bình tĩnh lắng nghe chia sẻ của bác sĩ. Bác bảo nước ối rất quan trọng với thai nhi, giúp bé di chuyển, phát triển phổi và bảo vệ con trong bụng mẹ. Bình thường, lượng nước ối dao động từ 500 - 1.000ml tùy từng giai đoạn thai kỳ. Nhưng với tôi, con số đó đã vượt quá 2.000ml. Điều này đồng nghĩa tôi chính thức thuộc nhóm mẹ bầu cần theo dõi đặc biệt.
Sau khi về nhà, tôi tiếp tục tìm hiểu về tình trạng này trên website của Hiệp hội Sản phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG). Theo đó, đa ối được chẩn đoán khi chỉ số AFI (Chỉ số nước ối) vượt quá 25cm hoặc SDP (Độ sâu túi ối lớn nhất) lớn hơn 8cm qua siêu âm thai. Trên lâm sàng, chứng đa ối liên quan đến tình trạng đái tháo đường thai kỳ, bầu đa thai, thiếu máu ở bào thai, nhiễm trùng bào thai... Nhưng trên thực tế, khoảng 2/3 trường hợp đa ối không tìm ra nguyên nhân.
Nguy cơ đối với thai nhi?
Phần lớn mẹ bầu khi được chẩn đoán đa ối đều cảm thấy lo lắng: Liệu con mình có sao không? Theo tư vấn của bác sĩ, mẹ bầu đa ối có nguy cơ sinh non do tử cung bị giãn quá mức; vỡ ối sớm; ngôi thai bất thường vì con có thể quay ngược lại ngôi mông hoặc ngôi ngang bất cứ lúc nào; sa dây rốn, có thể làm giảm oxy đến thai nhi; bong nhau thai...
Nhưng bác sĩ cũng trấn an rằng không phải ai bị đa ối cũng gặp những biến chứng này. Để phòng ngừa, mẹ bầu phải kiểm tra thai thường xuyên để đảm bảo mọi thứ ổn định.
Làm gì để kiểm soát tình trạng đa ối?
Ban đầu tôi thực sự hoang mang, nhưng rồi quyết định bình tĩnh lại và làm theo hướng dẫn của bác sĩ. Bởi hầu hết các trường hợp dư ối nhẹ không có gì đáng lo ngại.
Trước tiên, mẹ bầu cần theo dõi thai kỳ thường xuyên, siêu âm định kỳ để bác sĩ kiểm tra chỉ số nước ối và sự phát triển của bé. Tiếp theo, mẹ bầu cần điều chỉnh chế độ ăn uống, hạn chế thực phẩm chứa quá nhiều đường và tinh bột, uống nước theo khuyến cáo, không uống quá nhiều. Bác sĩ cho biết một số mẹ bầu có thể được chỉ định thuốc để giảm sản xuất nước ối, nhưng tôi may mắn chưa cần đến.
Đối với tình trạng đa ối nặng, có dấu hiệu liên quan đến thai nhi cần phải theo dõi, biện pháp cuối cùng là chọc ối. Đây là cách giảm áp lực tử cung nhưng chỉ áp dụng trong trường hợp nghiêm trọng.
Sau khi trải qua thai kỳ nơm nớp lo sợ, con tôi cũng chào đời bình an. Tôi nhận ra đa ối không phải lúc nào cũng nguy hiểm, điều quan trọng là mẹ bầu cần theo dõi và lắng nghe chỉ dẫn của bác sĩ.
"Từ điển làm mẹ" là thế giới "từ mới" và "thuật ngữ" chỉ những người làm mẹ mới hiểu. Nếu bạn đã, đang và sắp bước vào hành trình đảm nhiệm thiên chức thiêng liêng, hãy chia sẻ "từ điển" thú vị của riêng mình cùng cộng đồng mẹ bầu Đi Cùng Con. Đừng ngần ngại gửi về địa chỉ email chiase@dicungcon.vn. Mỗi đóng góp của bạn đều rất quý giá và sẽ giúp ích cho rất nhiều người đấy! |