
Nắng nóng là môi trường thích hợp để các virus, vi khuẩn phát triển. Trẻ nhỏ vào thời điểm nắng nóng dễ có nguy cơ mắc phải các bệnh lý về đường tiêu hóa. Phụ huynh cần lưu ý để có biện pháp bảo vệ sức khỏe cho trẻ.
Hà Quyên
Mùa nóng là thời điểm dễ bùng phát các bệnh về đường tiêu hóa như tiêu chảy cấp, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy nhiễm trùng, ngộ độc thực phẩm,…
Nguyên nhân chính dẫn tới các bệnh lý này là điều kiện thời tiết thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh, nhất là vi khuẩn gây bệnh đường ruột, động thực vật chứa độc tố tự nhiên (nấm độc, côn trùng, cây, quả rừng, thủy hải sản…); ô nhiễm môi trường và thiếu nước sạch để chế biến, vệ sinh dụng cụ.
Đồng thời, quá trình chế biến, bảo quản nguyên liệu thực phẩm, thực phẩm chưa đúng cách cùng với ý thức chấp hành quy định của pháp luật về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm của một số cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm chưa nghiêm.
Mùa nóng cũng là thời điểm trẻ được nghỉ hè, thường đi du lịch, đi chơi xa càng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Những bệnh này nếu không được xử trí kịp thời dễ gây mất nước trầm trọng, co giật, biến chứng thần kinh như viêm não – màng não, suy tạng, thậm chí tử vong. Ở trẻ nhỏ, những nguy cơ này càng tăng.
Trong điều kiện thời tiết nắng nóng, cha mẹ cần cẩn trọng trước nguy cơ mắc các bệnh tiêu hóa đối với cả gia đình, đặc biệt là trẻ nhỏ. Lưu ý cách bảo quản thực phẩm, tránh sự xâm nhập của các vi khuẩn gây bệnh; rửa tay và vệ sinh các vật dụng cẩn thận trước khi chế biến thực phẩm cũng như trước khi ăn. Rửa tay thật sạch bằng xà phòng sau khi đi vệ sinh, thay tã, đổ rác, chế biến thịt sống hoặc tiếp xúc với vật nuôi để tránh các mầm bệnh còn tồn tại trên tay. Đồng thời, hướng dẫn trẻ duy trì thói quen này.
Để tránh ngộ độc thực phẩm và rối loạn tiêu hóa khi đi du lịch, người dân cần lưu ý lựa chọn những nhà hàng và quán ăn có uy tín; tránh ăn những thực phẩm tươi sống, chưa chín, không rõ nguồn gốc hoặc không được bảo quản đúng cách.
Bên cạnh đó, nên ăn thực phẩm được nấu chín hoàn toàn và ăn nóng. Điều chỉnh khẩu vị dần dần với thực phẩm địa phương. Đặc biệt, không nên ăn quá nhiều thực phẩm mới lạ trong một lần.
Trong chế độ ăn hàng ngày, cha mẹ cần chú ý cho trẻ tăng cường ăn các loại rau xanh và hoa quả, nên có món canh trong bữa ăn hàng ngày. Đặc biệt cần cho trẻ uống nhiều nước trong ngày. Nên uống thành nhiều lần trong ngày, không nên uống quá nhiều nước trong một lần. Uống nước đóng chai hoặc nước sôi sạch. Tránh uống nước đá và nước từ vòi hoặc máy lọc nước không đảm bảo vệ sinh.
Người dân cũng cần hạn chế đi ra ngoài trời nắng trong những ngày nắng nóng, đặc biệt trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều. Trẻ đang ở trong phòng điều hòa nhiệt độ thấp không nên đi ra ngoài trời nắng đột ngột mà cần phải có một khoảng thời gian để cơ thể thích nghi với môi trường bên ngoài bằng cách tăng nhiệt độ điều hòa trong phòng hoặc ngồi nghỉ trong bóng mát trước khi đi ra ngoài trời. Chú ý mặc quần áo sáng màu, thoáng mát, thấm mồ hôi. Rèn luyện thân thể để nâng cao sức đề kháng và sức chống chịu của bản thân với điều kiện thời tiết nắng nóng.
Theo Bộ Y tế