
Thời tiết mùa xuân miền Bắc với mưa phùn khiến không khí ẩm ướt, nền nhiệt ẩm thấp tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, vi-rút, nấm mốc phát triển, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của con.
Mẹ Cami
Bản thân mình rất sợ thời gian này trong năm bởi sự khó chịu, quần áo có mùi hôi, cộng thêm con rất dễ ốm. Các bệnh hay gặp thời điểm này là cúm, thủy đậu, viêm đường hô hấp, tiêu chảy… Còn nhớ khi bé nhà mình được khoảng hơn 1 tuổi, vào mùa nồm này, con bị ốm một trận nhớ đời. Ho, sốt, chảy mũi, tiêu chảy…. đủ hết các triệu chứng khiến mẹ và con rất mệt mỏi. Hơn nữa, thời tiết nóng lạnh thất thường, trẻ rất dễ bị cảm lạnh, nhất là ban đêm, bé hay ra mồ hôi. Dưới đây là một số biện pháp mình dùng để chăm sóc con mùa nồm ẩm.
1. Giữ ấm cơ thể
Thời điểm này, có ngày nóng như đầu hè nhưng cũng có ngày mưa rét, đặc biệt là mưa ẩm nhiều. Vì vậy, mẹ hết sức lưu ý giữ ấm cho con.
Bé nhà mình hay ra mồ hôi ban đêm, mình hay dùng khăn xô thấm mồ hôi để tránh con bị cảm lạnh. Lau kỹ nơi ra nhiều mồ hôi nhất như: vùng đầu, lưng, gáy, lòng bàn tay, gan bàn chân. Ngoài ra, các mẹ nên tắm cho trẻ với loại xà phòng hoặc sữa tắm trẻ em có tính sát khuẩn nhẹ hàng ngày để giúp trẻ tránh nhiễm phải các vi khuẩn gây bệnh.
2. Giữ gìn vệ sinh cá nhân, môi trường sống
Mùa nồm ẩm là điều kiện thuận lợi để các loại nấm mốc phát triển. Vì vậy, mẹ phải rất giữ gìn vệ sinh, môi trường sống cho bé. Nhất là các bé còn nhỏ, hay có thói quen gặm, mút đồ vật, rất dễ nhiễm bệnh và bị tiêu chảy. Mình thường sử dụng máy hút ẩm, máy điều hòa để giúp không khí khô thoáng, tốt cho con.

3. Chế độ dinh dưỡng đảm bảo
Không chỉ ở thời tiết nồm ẩm, bất cứ thời điểm nào, một chế độ dinh dưỡng hợp lý, đủ chất sẽ giúp bé có thêm đề kháng. Mình hay cho bé ăn nhiều hoa quả, bổ sung chất xơ, các loại thực phẩm giàu vitamin C để con mạnh khoẻ, ít bị ốm. Ăn chín, uống sôi, hạn chế tối đa việc cho trẻ ăn đồ tái, sống, sử dụng tay để cầm thực phẩm khi ăn.
4. Tiêm phòng cho con theo đúng lịch
Việc tiêm phòng sẽ giúp tăng khả năng miễn dịch cho trẻ. Nhất là những mũi tiêm cần nhắc lại hàng năm như vắc-xin cúm để bé được an toàn, mạnh khoẻ trước các loại dịch bệnh.
5. Hạn chế cho bé ra ngoài trời
Trong những ngày trời nồm, người lớn thường có cảm giác nóng bức ngay từ buổi sáng nên nghĩ rằng trời ấm và có thể cho trẻ ra ngoài. Song trên thực tế, ngoài trời vẫn se lạnh, nhiều mây mù, thời tiết ẩm ướt khiến trẻ khó chịu. Buổi trưa, nếu nắng lên trẻ cũng dễ bị mệt.
Do đó, không nên đưa trẻ ra ngoài nhiều. Ngoài đường không khí ẩm ướt, bụi bặm khiến trẻ càng dễ mắc các bệnh về đường hô hấp.
Trẻ em thường có sức đề kháng kém, dễ bị ốm. Mẹ hãy lưu ý giữ sức khoẻ cho con để con khoẻ mạnh, nhất là trong những ngày thời tiết ẩm ương này nhé!
Nếu bạn có câu chuyện muốn chia sẻ với cộng đồng cha mẹ của Đi Cùng Con, đừng ngần ngại gửi về địa chỉ email chiase@dicungcon.vn. Mỗi đóng góp của bạn đều rất quý giá và sẽ giúp ích cho rất nhiều người đấy! |