
Trong hành trình nuôi con bằng sữa mẹ, nhiều mẹ thường băn khoăn vì sao có người sữa dồi dào, con tăng cân tốt, trong khi người khác lại ít sữa, bé bú mãi không đủ no.
Câu hỏi trên tưởng chừng đơn giản nhưng thực chất là sự kết tinh của nhiều yếu tố sinh học phức tạp. Trên thực tế, có 2 yếu tố then chốt quyết định chất lượng và số lượng sữa mẹ chính là cơ chế hormone và cơ chế cung cầu.
2 yếu tố chi phối lượng sữa mẹ
Trong giai đoạn đầu sau sinh, sữa mẹ được sản xuất nhờ tác động của 2 loại hormone quan trọng. Prolactin giúp kích thích sản xuất sữa, nồng độ prolactin thường tăng cao nhất khoảng 30 phút sau khi bé bú nhằm chuẩn bị cho cữ bú tiếp theo. Song song đó, hormone oxytocin giúp co bóp tuyến sữa để đẩy sữa ra ngoài. Điều thú vị là oxytocin được giải phóng mạnh mẽ khi người mẹ cảm thấy thoải mái, thư giãn...

Khi quá trình bú mẹ trở nên thường xuyên và ổn định, cơ chế hormone dần nhường chỗ cho cơ chế cung cầu. Nếu bé bú nhiều, bầu ngực liên tục được làm trống, cơ thể sẽ sản xuất sữa nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu. Ngược lại, nếu sữa bị ứ đọng lâu, một chất ức chế tạo sữa tự nhiên (PIH) sẽ gia tăng, làm giảm sản xuất sữa để tránh đau tức ngực hay nguy cơ tắc tia sữa.
“Chìa khóa” cho nguồn sữa chất lượng
Chất lượng sữa mẹ tuy có thành phần cơ bản khá ổn định, bao gồm protein, lipid và lactose, đủ để đáp ứng nhu cầu năng lượng tối thiểu của bé kể cả khi khẩu phần ăn của mẹ không hoàn hảo. Tuy nhiên, vi chất dinh dưỡng trong sữa lại rất linh hoạt và chịu ảnh hưởng trực tiếp từ chế độ ăn uống của người mẹ. Nếu mẹ không bổ sung đầy đủ vitamin A, D, B1, B2, B6, B12, i-ốt hay DHA, trẻ sẽ không nhận đủ dưỡng chất quan trọng cho sự phát triển trí não, miễn dịch và tăng trưởng.
Bên cạnh dinh dưỡng, giấc ngủ đầy đủ và tâm trạng tích cực đóng vai trò không kém phần quan trọng. Một người mẹ ngủ đủ giấc, giảm stress sẽ duy trì được nồng độ oxytocin và prolactin ổn định, nhờ đó quá trình sản xuất và tiết sữa diễn ra thuận lợi. Ngược lại, stress kéo dài không chỉ khiến mẹ kiệt sức mà còn trực tiếp làm giảm phản xạ tiết sữa.
Không ít mẹ lầm tưởng rằng chỉ cần ăn nhiều các món lợi sữa như móng giò, chè vằng hay đu đủ xanh là đủ. Thực tế, khoa học đã chứng minh không có loại thực phẩm kỳ diệu nào có thể thay thế vai trò then chốt của việc cho bé bú đúng cách và thường xuyên.

Một số thực phẩm như cỏ cà ri hay chùm ngây có thể hỗ trợ tăng tiết sữa nhưng cần dùng đúng liều và dưới sự hướng dẫn của chuyên gia dinh dưỡng để tránh tác dụng phụ. Việc duy trì chế độ ăn lành mạnh, đa dạng, uống đủ nước và đảm bảo năng lượng khẩu phần tăng thêm khoảng 500 calories/ngày trong giai đoạn cho con bú chính là nền tảng khoa học giúp mẹ có nguồn sữa chất lượng.
Hơn hết, giữ tinh thần thoải mái, ngủ đủ giấc và duy trì thói quen bú mẹ đều đặn sẽ giúp mẹ nuôi con bằng sữa mẹ thành công, mang lại khởi đầu tốt đẹp cho hành trình phát triển toàn diện của trẻ.
Nội dung được tư vấn bởi BS Vi Thị Tươi Trưởng Phòng Đào tạo tại Viện Nghiên cứu và Tư vấn dinh dưỡng (NRECI) 105 Trần Thiện Chánh, phường 12, quận 10, TP.HCM --- Nếu bạn đang công tác trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em và có câu chuyện muốn chia sẻ với Đi Cùng Con, xin vui lòng gửi về địa chỉ email chiase@dicungcon.vn. Mỗi đóng góp của bạn sẽ giúp ích cho rất nhiều cha mẹ trên hành trình nuôi dạy con. |
Bình luận