

Tiêm phòng cho trẻ hiện là giải pháp tốt nhất để cha mẹ giúp con được ngăn ngừa trước nhiều bệnh lý nguy hiểm. Tuy nhiên, với những ai mới lần đầu cho con đi chích ngừa thì tâm lý lo lắng, sợ con bị đau là khó tránh khỏi.
Tiêm ngừa vắc xin giúp trẻ tăng sức đề kháng, giảm số ngày ốm và nhập viện cũng như thời gian, công sức, chi phí chăm sóc y tế cho cha mẹ. Cha mẹ cần lưu ý:
Trước khi tiêm
Trước khi tiêm ngừa, cha mẹ cần vệ sinh thân thể sạch sẽ cho trẻ để hạn chế tình trạng nhiễm trùng. Ngoài ra, tránh cho trẻ ăn quá no nhưng cũng không nên để bụng đói vì có thể sẽ khiến trẻ bị đói lả sau khi tiêm.
Cha mẹ cần mang sổ và phiếu tiêm chủng của trẻ để cán bộ y tế ghi chép và theo dõi lịch tiêm của con mình. Trong quá trình tiêm chủng, các bà mẹ cần hỏi và xem kỹ loại vắc xin trong lần tiêm chủng lần này của trẻ.
Sau khi tiêm
Sau khi trẻ tiêm ngừa xong, không nên đưa trẻ về ngay mà cần ở lại theo dõi 15-30 phút để đề phòng việc trẻ bị sốc phản vệ. Trước khi rời phòng tiêm, các bà mẹ nên hỏi cán bộ y tế những phản ứng có thể xảy ra và cách hướng dẫn, chăm sóc trẻ sau tiêm. Nếu trẻ không có bất kỳ phản ứng nào, phụ huynh có thể đưa trẻ về nhà nhưng vẫn cần theo dõi thêm ít nhất 24 giờ sau tiêm.

Trường hợp bé bị sốt sau tiêm ngừa, cha mẹ nên cặp nhiệt độ và theo dõi. Nếu sốt dưới 38 độ thì có thể uống nhiều nước, nằm chỗ thoáng. Nếu sốt trên 38 độ thì dùng thuốc hạ sốt với liều lượng theo chỉ dẫn của bác sĩ. Bên cạnh đó, cần tích cực lau mát, đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ.
Ở những trẻ cơ địa nhạy cảm, vết tiêm có thể bị sưng đỏ, nổi cục cứng. Tuy nhiên, cha mẹ không cần quá lo lắng, hiện tượng này sẽ tự biến mất sau 6-8 tiếng. Nếu trẻ có biểu hiện đau thì cần chườm mát lên vết tiêm, mặc đồ thoáng. Đặc biệt lưu ý là không nên đắp bất cứ thứ gì lên vết tiêm. Trẻ có thể tắm bình thường nếu sức khỏe không gặp vấn đề bất thường nào.
Sau khi tiêm phòng, nếu trẻ có các biểu hiện bất thường như: sốt trên 39 độ C, sốt cao quá hai ngày, co giật, chân tay lạnh, tím tái, khó thở, quấy khóc, không đáp ứng thuốc hạ sốt thông thường, bỏ bú, sưng to, đỏ quanh chỗ tiêm... cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay lập tức để cán bộ y tế xử trí kịp thời.
Thời điểm không nên tiêm
- Phụ huynh không nên cho trẻ tiêm ngừa trong một số trường hợp như: Trẻ đang sốt, cảm cúm, mắc các bệnh về não, động kinh, suy chức năng các cơ quan (tim, thận, hô hấp, tuần hoàn), mắc các bệnh cấp tính... vì chúng sẽ tạo yếu tố thuận lợi gây ra sốc phản vệ.
- Trong trường hợp trẻ từng bị sốc phản vệ với vắc xin hay kháng sinh cụ thể nào đó, tuyệt đối không được tiêm loại này mà thay thế bằng việc tiêm vắc xin phòng bệnh khác.