
Khi lên 2-3 tuổi, không chỉ thể chất phát triển vượt trội mà khả năng tư duy, khám phá của bé cũng có nhiều "đất" để vươn xa.
Trẻ ở độ tuổi này sẽ bắt đầu hỏi nhiều câu hỏi đơn giản như “Đây là cái gì?”, “Ở đâu hả mẹ?”... Sự tò mò sẽ kích thích trí tưởng tượng và tư duy của bé khi khám phá, tìm hiểu thế giới xung quanh. Đây là lúc thích hợp để bố mẹ giới thiệu các khái niệm cơ bản như màu sắc, to - nhỏ...
Dạy bé những khái niệm mới
Ở độ tuổi này, bé bắt đầu hình thành nhận thức về thế giới xung quanh, khả năng tiếp nhận các thông tin và khái niệm cũng phát triển. Vì thế, độ tuổi này sẽ phù hợp với các trò chơi kích thích não bộ.
- Học thông qua các trò chơi hàng ngày được xem là phương pháp giúp trẻ dễ dàng khám phá và gắn kết với bố mẹ hơn. Các bậc phụ huynh hãy tích cực áp dụng trò chơi hay cách giao tiếp đơn giản như trò chuyện, kể chuyện hoặc hỏi đáp vui.
- Cùng bé chơi trò xếp hình, khám phá hình khối, màu sắc, chia sẻ cảm xúc và chờ đợi sự chia sẻ ngược lại từ bé. Nói với con về các đồ vật bé hứng thú và cho bé những khoảng dừng để có thời gian suy nghĩ, tự nói hoặc hỏi điều gì đó.
- Cùng trẻ xem phim hoạt hình hoặc đọc truyện cổ tích để giúp bé học về màu sắc, tập nhớ tên các nhân vật.

Rèn thói quen tốt
Hình thành những thói quen tốt từ khi còn nhỏ sẽ giúp bé trở nên tự giác, kỷ luật và tự lập hơn.
- Để tạo thói quen cho trẻ một cách tự nhiên, bố mẹ có thể nói về các việc làm của chính mình trong ngày như đánh răng, dọn dẹp...
- Đôi khi, bố mẹ cũng có thể cho trẻ xem hình ảnh chụp từng bước thực hiện một việc, ví dụ mặc quần áo, từ đó khuyến khích trẻ làm theo hoặc giúp trẻ đoán và ghi nhớ trình tự.
- Ở tuổi này, bé đã có thể tập dùng thìa xúc cơm, rót đồ uống từ bình và dần tự mặc quần áo, rửa và lau khô tay.
- Việc khuyến khích trẻ tập các thói quen hàng ngày sẽ giúp hình thành kỷ luật và tính độc lập. Độ tuổi này cũng phù hợp để bố mẹ bắt đầu cho trẻ “cai” tã vì bé có thể nhận thức được khi muốn đi vệ sinh.
Rèn sự khéo léo
Giai đoạn 2-3 tuổi là thời điểm bàn tay của bé đã dần linh hoạt hơn, sau các hoạt động cầm nắm hoặc ném đầy bản năng trước đó,. Bố mẹ có thể tập cho con các trò chơi sáng tạo, gợi hứng thú và giúp trẻ phát triển kỹ năng đôi tay.
- Giấy màu, bút chì, bút màu sẽ là những đồ vật rất mới lạ và hấp dẫn trẻ ở tuổi này. Bố mẹ có thể cùng vẽ hoặc quan sát khi bé nguệch ngoạc chơi với bút màu. Điều này sẽ giúp trẻ chuẩn bị cho việc sử dụng bút sau này.

- Ngoài ra, tạo hình đất nặn, giấy màu, keo dán... có thể giúp trẻ học về kết cấu, tăng cường xúc giác trước những chất liệu khác nhau. Trang trí cây thông Giáng sinh hoặc làm một món quà thủ công nho nhỏ sẽ là “công trình” lớn với trẻ. Bố mẹ cũng có thể dán các hộp rỗng lại với nhau để tạo thành mô hình cho bé sơn, trang trí.
- Có thể cho trẻ quan sát hoặc tham gia công việc bếp núc như nhặt rau, rửa rau, nhào bột... Đây là những trò chơi giúp trẻ rèn luyện sự khéo léo của đôi tay.
Tăng cường vận động
Bên cạnh phát triển tư duy, rèn luyện sự khéo léo, bố mẹ cũng nên khuyến khích bé vận động nbởi năng lượng ở độ tuổi này là “vô tận”.
- Đi bộ, đạp xe 3 bánh, trượt scooter là các trò phù hợp với những đôi chân năng động, thích di chuyển.
- Đưa trẻ đến sân chơi hoặc khu vui chơi, nơi trẻ có thể chạy, đu, nhảy và leo trèo để cải thiện kỹ năng giữ thăng bằng và phối hợp cũng như nâng cao nhận thức về những gì cơ thể có thể làm.
- Dành thời gian chơi ngoài trời giữa không khí trong lành, chơi với bóng như lăn, bắt, ném và đá. Trò này giúp phối hợp tay/mắt, sự cân bằng và sức mạnh cơ bắp.
- Cho trẻ đi xe chòi chân hoặc xe ba bánh để tăng cường cơ chân. Bố mẹ cũng có thể cho trẻ chơi búp bê trong bồn tắm để học cách tự tắm rửa.
Kích thích trí tưởng tượng
Ở độ tuổi bắt đầu khám phá mọi thứ, bé có nhiều cơ hội để trí tượng bay xa. Bố mẹ có thể giúp con làm phong phú thế giới riêng với nhiều trò hấp dẫn.
- Trẻ 2-3 tuổi thích chơi trò giả vờ hoặc diễn lại những việc bé đã trải qua hàng ngày như cho gấu bông đi ngủ, cho gấu ăn tối.
- Khi chơi với đồ chơi thu nhỏ như ôtô, mô hình động vật…, bé có xu hướng tự nghĩ ra câu chuyện liên quan. Hãy gợi chuyện cùng trẻ.
- Bố mẹ có thể giữ những hộp các tông lớn, thích hợp để trẻ ẩn náu hoặc biến thành ôtô, máy bay hay thuyền buồm.
- Giúp trẻ chơi trò mặc quần áo, giày dép và đội mũ của người lớn. Trẻ sẽ thích thú khi được hóa thân thành người khác. Khuyến khích trẻ sử dụng đồ chơi để tái hiện những hoạt động như đi siêu thị, đi nghỉ mát hoặc đi nhà trẻ.

Ngoài ra, những em bé 2-3 tuổi là “bậc thầy” vần điệu. Bé có thể nghe, nhún nhảy, vung vẩy khi nghe các bài nhạc yêu thích.
- Bố mẹ có thể khuyến khích bé bằng cách cùng ngân nga các giai điệu tuổi thơ. Một chiếc trống lắc sẽ giúp bé dễ cảm nhận nhịp điệu hơn.
- Bố mẹ cũng nên tích cực đọc, kể chuyện trước giờ đi ngủ mỗi ngày. Đây sẽ là khoảng thời gian yên tĩnh đặc biệt của gia đình.
- Làm mẫu cách kể chuyện: Cùng xem các bức tranh và dạy trẻ cách gọi tên, miêu tả những gì bé thấy bằng câu từ đơn giản.
- Đưa trẻ đến nhà sách để khám phá nhiều loại sách khác nhau. Tìm ra chủ đề yêu thích của trẻ như ô tô, động vật, khủng long… Các ấn phẩm từ series phim hoạt hình yêu thích cũng có thể giúp trẻ hứng thú hơn với việc đọc.
Theo Healthforunder5s