

VA và amidan là 2 trong 6 thành phần của vòng bạch huyết Waldayer, không phải cơ quan duy nhất thực hiện chức năng sản sinh miễn dịch giúp cơ thể chống lại các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp. Vì vẫn có tổ chức tương tự đảm đương cùng nhiệm vụ nên việc nạo VA hoặc cắt amidan không ảnh hưởng quá nhiều đến khả năng chống nhiễm trùng của trẻ.
Tất nhiên nói như vậy không có nghĩa là mọi trường hợp viêm VA hay viêm amidan đều phải phẫu thuật cắt bỏ. Viêm VA và viêm amidan không biến chứng ở trẻ em là quá trình có lợi cho cơ thể vì giúp hình thành miễn dịch. Chúng chỉ trở thành bệnh lý khi tái phát thường xuyên hoặc có biến chứng, nhất là biến chứng viêm tai giữa.
Chỉ định nạo VA
Để tránh lạm dụng, quyết định nạo VA cần được thực hiện đúng quy trình bởi các bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng. Dựa trên kết quả thăm khám lâm sàng và nội soi, bác sĩ sẽ cân nhắc kỹ lưỡng trước khi chỉ định phẫu thuật.
Phẫu thuật nạo VA được chỉ định trong các trường hợp sau (không có giới hạn về tuổi).
- Viêm VA tái đi tái lại nhiều lần trong năm (từ 7 lần/năm trở lên).
- Viêm VA điều trị nội khoa không hết, kèm theo bé có các biến chứng như viêm tai giữa, viêm xoang... tái phát nhiều lần.
- VA quá phát gây bít tắc cửa mũi sau, khiến trẻ nghẹt mũi kéo dài, gây cản trở đường thở tự nhiên, trẻ phải há miệng để thở, đặc biệt nếu có cơn ngừng thở khi ngủ.

Chỉ định cắt amidan
- Viêm amidan mạn tính, tái phát nhiều lần (từ 7 lần/năm trở lên, hoặc từ 5 lần trở lên trong 2 năm liên tiếp hoặc từ 3 lần trở lên trong 3 năm liên tiếp) làm ảnh hưởng nhiều đến việc học tập, sức khỏe và chất lượng sống của bệnh nhi. Số lần này chỉ tính các đợt viêm amidan được bác sĩ chẩn đoán rõ ràng, không tính các đợt do người bệnh tự chẩn đoán.
- Viêm amidan gây biến chứng như áp xe quanh amidan, viêm hạch cổ…
- Amidan phì đại gây tắc nghẽn, ngủ ngáy, ngưng thở khi ngủ hoặc gây khó nuốt, khó nói.
Bệnh nhân/người nhà bệnh nhi nên thảo luận lợi ích và nguy cơ của cắt/nạo amidan/VA với vài bác sĩ (cả bác sĩ tai mũi họng và bác sĩ nhi khoa). Nếu phần đông khuyên cắt thì mới cắt amidan hoặc nạo VA.
Bài viết được tư vấn bởi BSCKI Nguyễn Hữu Thảo Trưởng khoa Hồi sức Tích cực và Chống độc - Bệnh viện Sản Nhi Vĩnh Phúc Phòng khám: - Cơ sở 1: Thị Trấn Lập Trạch, huyện Lập Trạch, Vĩnh Phúc (hotline: 0989555035). - Cơ sở 2: 51B Phùng Quang Phong, phường Liên Bảo, TP Vĩnh Yên (hotline: 0983666520). - Cơ sở 3: Phố Me, thị Trấn Hợp Hòa, huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc (hotline: 0342434013). |
Nếu bạn đang công tác trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em và có câu chuyện muốn chia sẻ với Đi Cùng Con, xin vui lòng gửi về địa chỉ email chiase@dicungcon.vn. Mỗi đóng góp của bạn sẽ giúp ích cho rất nhiều cha mẹ trên hành trình nuôi dạy con. |