
Cảm nhận được chuyển động của thai nhi là một trong những cột mốc quan trọng trong quá trình mang thai, giúp mẹ bầu gắn kết với em bé đang phát triển trong bụng.
Hà My
Nhận thức được chuyển động của thai nhi được cho là hình thức theo dõi thai nhi lâu đời nhất và cơ bản nhất. Theo Victoria Whelan, bác sĩ sản khoa của ĐH Washington, việc cảm nhận chuyển động thai nhi sẽ phần nào cung cấp cho ba mẹ những hiểu biết về sức khỏe của em bé.
Tại sao chuyển động của thai nhi lại quan trọng?
“Trong mỗi lần khám thai từ tam cá nguyệt thứ hai trở đi, tôi đều hỏi về chuyển động của thai nhi. Việc giảm chuyển động của thai nhi là điều quan trọng cần chú ý vì nó có thể báo hiệu điều gì đó đang thay đổi tiêu cực trong thai kỳ”, BS Whelan cho hay.

Các chuyên gia sản khoa cũng nhận định khi tần suất chuyển động của thai nhi giảm, mẹ bầu cần lập tức làm các xét nghiệm cần thiết, điều này sẽ giúp ích cho quá trình mang thai. Những xét nghiệm sẽ cung cấp cho đội ngũ y tế thông tin về sức khỏe thai nhi, họ sẽ xác định liệu có an toàn để mẹ bầu tiếp tục mang thai hay cần can thiệp thêm hay không.
Khi nào bạn bắt đầu cảm nhận được chuyển động của thai nhi?
Thông thường, các mẹ bầu sẽ cảm nhận được chuyển động của em bé trong khoảng tuần 16 đến tuần 20 của thai kỳ. Tần suất chuyển động của thai nhi sẽ tăng lên cho đến tuần 32 và từ đó có xu hướng ổn định hẳn chứ không giảm đi. Tuổi thai mà mẹ bầu bắt đầu cảm thấy cử động là khác nhau, song thông thường thời gian này sẽ không muộn hơn 24 tuần.
BS Whelan cho biết: “Khi mẹ bầu bắt đầu cảm nhận được chuyển động của thai nhi, những chuyển động đó sẽ tiếp tục hàng ngày và cường độ chuyển động sẽ thay đổi chứ không phải tần suất”.
Nguyên nhân nào làm giảm chuyển động của thai nhi?
Trường hợp thai nhi không chuyển động trong thời gian ngắn (20-40 phút) có thể bé đang trong chu kỳ ngủ. Mặt khác, chuyển động của thai nhi có thể giảm sau khi mẹ bầu vận động như tập thể dục nhẹ hoặc di chuyển. Tuy nhiên, trường hợp tần suất chuyển động của thai nhi giảm mạnh, đó có thể là dấu hiệu của những nguyên nhân nghiêm trọng hơn như: Bất thường nhau thai hoặc suy nhau thai, thai chết lưu.

Bên cạnh đó, lượng nước ối ít hoặc nhiều cũng có thể làm giảm cử động của thai nhi. Với lượng nước ối thấp, có thể có lo ngại túi nước (túi ối) bị vỡ hoặc nhau thai không hoạt động như bình thường. Với lượng ối lớn, nhiều chuyên gia lo ngại về sự bất thường của thai nhi hoặc mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ mất kiểm soát.
Trong một số trường hợp, cử động của thai nhi giảm có thể dẫn đến khởi phát chuyển dạ, mổ lấy thai hoặc phải nhập viện chăm sóc đặc biệt cho trẻ sơ sinh.
Song song đó, các bác sĩ cũng chia sẻ việc thai nhi chuyển động với tần suất nhiều hơn hay đột ngột tăng lên đều không phải dấu hiệu xấu mà chỉ thể hiện đứa trẻ khá năng động.
Những cách theo dõi chuyển động của thai nhi tại nhà
Cách đơn giản để các mẹ bầu theo dõi được chuyển động của thai nhi chính là đếm cú đá mà em bé thực hiện. Theo dõi sát sao về tần suất lần đá và số lượng cú đá sẽ giúp mẹ bầu kết nối với bé và dễ nhận biết những dấu hiệu bất thường trong thai kỳ.
Mẹ bầu có thể lựa chọn phương pháp “đếm đến 10”. Theo đó, bạn chọn thời điểm thai nhi hoạt động mạnh nhất (thường là vào buổi tối sau bữa ăn), ngồi gác chân lên hoặc nằm nghiêng và đếm từng cú đá, lăn hoặc đâm cho đến khi bạn đạt đến 10.
Các mẹ bầu thường sẽ cảm nhận được 10 chuyển động trong vòng hai giờ. Nhưng hãy nhớ rằng việc đếm số lần đạp chỉ được khuyến khích trong tam cá nguyệt thứ ba (thường là 28 tuần).

Sở dĩ phương pháp này thực hiện vào tam cá nguyệt thứ 3 vì hệ thống thần kinh trung ương chưa hoàn toàn nguyên vẹn và tim thai nhi vẫn chưa trưởng thành trước 28 tuần. Vì vậy, trước khi thai được 28 tuần, mẹ bầu có thể cảm nhận được em bé cử động nhưng không ấn định bất kỳ giá trị định lượng nào cho nó.
Khi nào mẹ bầu cần lo lắng về chuyển động của thai nhi?
Nếu bạn cảm thấy có sự khác biệt trong chuyển động của thai nhi so với những gì bình thường diễn ra trước đây, hãy dành thời gian để bắt đầu phương pháp “đếm đến 10”. Nếu số lần cử động của thai nhi không đạt đến 10 lần trong 2 giờ, bạn có thể liên lạc với bác sĩ sản khoa để tham khảo ý kiến.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo mẹ bầu không chỉ chú ý đến số lần cử động mà cũng cần theo dõi cường độ, và cách mà em bé chuyển động trong bụng bạn.
Theo The Parents