
Giai đoạn lên 2, tâm lý trẻ bắt đầu có nhiều biến đổi và dễ cáu kỉnh. Với nhiều người mới làm cha mẹ, đây thực sự là vấn đề đau đầu. Song nếu nắm những phương pháp dưới đây, mọi thứ sẽ trở nên đơn giản hơn.
Phương Linh
Khủng hoảng tuổi lên 2 là gì?
Khủng hoảng tuổi lên 2 là giai đoạn bình thường trong quá trình phát triển của trẻ. Ở giai đoạn này, con mong muốn được độc lập nhưng do thể chất lẫn não bộ chưa sự phát triển hoàn thiện, khiến bé thường xuyên thể hiện sự tức giận ra bên ngoài. Theo Viện Hàn lâm Nhi khoa Mỹ (AAP), khủng hoảng tuổi lên 2 thường được biểu hiện bằng việc trẻ có nhiều hoạt động và biểu cảm hơn, tâm trạng thay đổi và hay cáu.
Nhiều cha mẹ thường nghĩ khủng hoảng tuổi lên 2 sẽ diễn ra sau sinh nhật 2 tuổi của bé, song những hành vi điển hình của giai đoạn này thường bắt đầu khi trẻ 18 tháng tuổi và có thể kéo dài đến 4 tuổi.
Những dấu hiệu khủng hoảng tuổi lên 2
Trẻ nói “không” thường xuyên hơn
Một dấu hiệu khá kinh điển với trẻ ở độ tuổi này là sẽ thường xuyên từ chối làm những thứ bạn yêu cầu như mặc quần áo, ăn uống, đi ngủ…
Nổi cơn thịnh nộ
Ở giai đoạn này, con dễ cáu với những vấn đề tưởng chừng rất nhỏ. Đừng mất kiên nhẫn, hãy bình tĩnh chia sẻ cùng con nhé!
Hành vi hung hăng
Khủng hoảng tuổi lên 2 có thể dẫn đến những hành vi mới ở trẻ như cắn, ném đồ đạc hay phá đồ chơi. Ngoài ra còn một số kiểu hành vi khác mà cha mẹ cần chú ý như: Trẻ thay đổi tâm trạng, la hét, đá, khạc nhổ thậm chí đánh người khác thường xuyên hơn.
Dù những hành vi này thường gặp ở trẻ tuổi lên 2, điều đó không đồng nghĩa con bạn sẽ có tất cả biểu hiện này.

Ứng phó với khủng hoảng tuổi lên 2
Điều chỉnh kỳ vọng của bạn
Đặt ra kỳ vọng dựa trên thực tế sẽ giúp cha mẹ tránh được một cuộc khủng hoảng khác của chính mình. Hãy nhớ rằng ở tuổi này, dù trẻ đã biết đi, biết nói và tự ăn nhưng không có nghĩa bé đã sẵn sàng cho những chỉ dẫn ở mức độ phức tạp hơn. Cha mẹ hãy để con và chính mình thoải mái một chút.
Khi nghi ngờ trẻ cáu giận, hãy đánh lạc hướng
Nghiên cứu cho thấy việc đánh lạc hướng khi trẻ nổi cáu thực sự hiệu quả. Mấu chốt cần nhớ là: Việc bé nổi cáu là “tác dụng phụ” của quá trình phát triển, vì thế việc giải thích, lý luận đến cùng với con có thể không hiệu quả trong tất cả trường hợp. Nhưng nếu đánh lạc hướng cơn giận, bé có thể nguôi ngoai.
Ví dụ, bạn có thể đánh lạc hướng con bằng cách chỉ chỏ vật gì đó ngoài cửa sổ, một hình ảnh ấn tượng trong sách báo, hoặc rủ con cùng làm việc gì đó với mình…
Nếu không thể đánh lạc hướng con, hãy phớt lờ. Cách này sẽ giúp trẻ hiểu rằng cáu giận cũng chẳng thể thu hút được sự chú ý từ cha mẹ.
Chuẩn bị sẵn đồ ăn nhẹ
Tránh để con đói hay đi chơi vào khung giờ ăn. Nếu phải ra ngoài cùng con trong giờ ăn, hãy mang sẵn đồ ăn hoặc tìm trước một địa chỉ ăn không quá mất thời gian di chuyển.
Để đồ vật quan trọng xa tầm tay trẻ em
Ở độ tuổi này, trẻ có thể sẽ ném đồ khi không vừa ý. Vì vậy, cha mẹ cần đảm bảo để những vật dụng quan trọng, dễ vỡ và có khả năng gây nguy hiểm nằm ngoài tầm tay của con để đảm bảo cơn giận dữ không để lại hậu quả.
Cho con 2 sự lựa chọn
Đây là một liệu pháp đánh vào tâm lý của những em bé ở giai đoạn khủng hoảng này: Vừa giúp con có cảm giác được quyền lựa chọn, trong khi cha mẹ vẫn duy trì sự kiểm soát. Ví dụ trong giờ ăn nhẹ, cha mẹ có thể đưa ra 2 phương án ăn táo hoặc chuối để bé chọn. Như vậy bé có thể lựa lựa món yêu thích đồng thời những đồ ăn đó vẫn đúng ý của cha mẹ.

Dạy trẻ tĩnh tâm
Với trẻ ở độ tuổi này, cha mẹ có thể hướng dẫn con học một vài kỹ thuật làm dịu cơn nóng giận. Hãy bắt đầu từ việc tập hít thở sâu và tĩnh lại. Nên dạy những kỹ năng này khi con đang vui vẻ, không cáu giận để khi rơi vào trạng thái ấy, con có cơ hội áp dụng.
Ví dụ, khi con bắt đầu mất kiểm soát, cha mẹ có thể nói: “Cơ thể con đang run lên, con đang mất bình tĩnh, khóc nhiều quá này! Chúng ta cùng đi sang phòng khác và mẹ sẽ chờ đến khi con bình tĩnh lại, rồi mình tiếp tục chơi nhé!”. Bằng cách chỉ cho con biết bản thân đang mất kiểm soát, cha mẹ đã tạo cơ hội để con thực hành những kỹ năng được học.
Tóm tắt một số lưu ý để xử lý khủng hoảng tuổi lên 2: - Tìm cách đánh lạc hướng khi trẻ cáu giận. - Đừng thưởng quà để con ngừng cáu giận. - Nếu đang ở nơi công cộng, hãy dẫn bé tới góc vắng người và đợi bé bình tĩnh lại. - Phạt đứng xó / úp mặt vào tường là một cách. Tuy nhiên hãy nhẹ nhàng, đừng quát nạt. - Nếu con có tiến bộ, đừng nhắc lại những lần con mắc lỗi. Thay vào đó, hãy khen ngợi hành vi tốt nhưng không phải bằng quà tặng mà bằng lời nói và tình cảm. |
Theo Parents.com
Nếu bạn có câu chuyện muốn chia sẻ với cộng đồng cha mẹ của Đi Cùng Con, đừng ngần ngại gửi về địa chỉ email chiase@dicungcon.vn. Mỗi đóng góp của bạn đều rất quý giá và sẽ giúp ích cho rất nhiều người đấy! |