
Bị sốt xuất huyết nên uống loại thuốc hạ sốt, giảm đau nào? Có thuốc nào cần tránh không?
Sốt xuất huyết là bệnh nhiễm trùng do virus DENV lây truyền từ muỗi sang người. Virus sốt xuất huyết được truyền sang người qua vết cắn của muỗi cái bị nhiễm bệnh, chủ yếu là muỗi Aedes aegypti. Bệnh này phổ biến hơn ở vùng khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới.
Hầu hết người mắc sốt xuất huyết sẽ không có triệu chứng. Nếu có, các triệu chứng phổ biến nhất là sốt cao (40 độ C), nhức đầu, đau nhức cơ thể, buồn nôn và phát ban. Hầu hết sẽ khỏi sau 1-2 tuần. Một số người bị sốt xuất huyết nặng và cần được chăm sóc tại bệnh viện.
Trong những trường hợp nghiêm trọng, sốt xuất huyết có thể gây nguy hiểm tính mạng. Những người bị nhiễm lần thứ hai có nguy cơ mắc sốt xuất huyết nặng cao hơn. Mọi người có thể giảm nguy cơ mắc bệnh sốt xuất huyết bằng cách tránh muỗi đốt, đặc biệt là vào ban ngày.
Muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết hoạt động vào ban ngày. Giảm nguy cơ mắc bệnh sốt xuất huyết bằng cách bảo vệ bản thân khỏi muỗi đốt bằng cách sử dụng:
- Quần áo che phủ càng nhiều phần cơ thể càng tốt
- Màn chống muỗi nếu ngủ vào ban ngày, lý tưởng nhất là màn được xịt thuốc chống côn trùng
- Màn cửa sổ
- Thuốc chống muỗi (có chứa DEET, Picaridin hoặc IR3535)
Nếu bị sốt xuất huyết, điều quan trọng là:
- Nghỉ ngơi
- Uống nhiều chất lỏng
- Sử dụng acetaminophen (paracetamol) để giảm đau cơ và hạ sốt. Nên tránh các thuốc giảm đau chống viêm không steroid, bao gồm aspirin, ibuprofen (Advil, Motrin IB, các loại khác) và naproxen sodium (Aleve). Các thuốc giảm đau này có thể làm tăng nguy cơ biến chứng chảy máu do sốt xuất huyết
- Hãy chú ý các triệu chứng nghiêm trọng và liên hệ với bác sĩ càng sớm càng tốt nếu bạn nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)/ Tạp chí Tri Thức Znews
Nếu bạn có câu chuyện muốn chia sẻ với cộng đồng cha mẹ của Đi Cùng Con, đừng ngần ngại gửi về địa chỉ email chiase@dicungcon.vn. Mỗi đóng góp của bạn đều rất quý giá và sẽ giúp ích cho rất nhiều người đấy! |