

Giao mùa là lúc nhiệt độ thay đổi thất thường, nếu hệ miễn dịch yếu, bé rất dễ mắc bệnh. Dưới đây, BSCKI Nguyễn Hữu Thảo đưa ra lưu ý khi trẻ mắc một số bệnh phổ biến.
Cúm
Phụ huynh đừng quá lo lắng. Không phải tất cả trẻ bị cúm đều cần uống tamiflu. Không phải tất cả trẻ nghi cúm đều cần test cúm. Test nhiều vừa đau mũi vừa tăng chi phí điều trị. Đi khám nếu cần thiết bác sĩ mới chỉ định test thôi.
Cúm thường sốt 3-5 ngày, quan trọng nhất là theo dõi các dấu hiệu nặng của bệnh để tái khám kịp thời.

Chăm sóc trẻ như nào? Uống đủ nước, uống hạ sốt khi cần, ăn uống đồ dễ tiêu, nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc, tạm nghỉ học để tránh lây sang bạn khác. Kháng sinh không dùng để điều trị cúm, kháng sinh chỉ được dùng khi bác sĩ nghi ngờ có bội nhiễm vi khuẩn cùng.
Con sốt thì phụ huynh nên cho đi khám tìm nguyên nhân sốt để điều trị chứ không nên tự đoán bệnh làm gì, lỡ bệnh nặng lên thì khổ. Bệnh cũng không có gì mới, năm nào mùa này cũng vậy thôi.
RSV
Thời tiết mới chuyển mát mấy hôm mà các bé ốm nặng nhiều hơn hẳn. Có những hôm gần nửa khoa là các bé nhiễm RSV mức độ nặng nhẹ đủ cả. Khổ nhất là mấy bạn nhỏ dưới 3 tháng tuổi hoặc có tiền sử đẻ non, bệnh nền như tim bẩm sinh thì lại càng nặng.
Phụ huynh lưu ý phòng bệnh cho con, nhất là các bé dưới 3 tháng tuổi, cố gắng đừng để bị viêm hô hấp:
- Không thơm môi, thơm miệng trẻ.
- Tránh những nơi đông người, hạn chế người thăm.
- Tránh tiếp xúc người đang bị ốm, bị ho sốt.
- Người chăm sóc trẻ cần rửa tay thường xuyên với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.
- Trẻ nhỏ hơn 6 tháng nên được bú mẹ hoàn toàn nếu có thể.
- Tiêm phòng đầy đủ các mũi trong chương trình tiêm chủng.
- Bổ sung vitamin D3 hàng ngày.
>> Đọc thêm: Cách chăm sóc trẻ nhiễm virus RSV
Ốm dẫn đến biếng ăn
Khi trẻ đang bị bệnh thì biếng ăn là điều hay gặp. Tuy nhiên biếng ăn lúc này chỉ là tạm thời, phụ huynh đừng quá lo lắng mà dồn ép trẻ ăn quá mức có thể làm trẻ sợ ăn sau này. Sau khi khỏi bệnh vài ngày thường trẻ sẽ lại ăn trả bữa ngay thôi.

Dinh dưỡng cho trẻ như thế nào khi con bị ốm?
- Cho trẻ uống đủ nước, cơ thể thiếu nước sẽ làm trẻ mệt hơn và bệnh sẽ nặng hơn.
- Ăn ít một chia nhỏ nhiều bữa.
- Thức ăn nên dạng lỏng, mềm dễ tiêu: Cháo, súp, mỳ, sữa....
- Về cơ bản không cần kiêng khem, thành phần thức ăn đầy đủ dinh dưỡng (tôm, cua, gà, cá, rau củ...). Trẻ bị tiêu chảy thì hạn chế đồ nhiều đường và đồ uống có gas.
- Bổ sung vitamin: Vitamin không có tác dụng ngay mà thường cần cho giai đoạn hồi phục của trẻ, đặc biệt là vitamin D3, kẽm.
>> Đọc thêm:
Trẻ sốt nhưng tay chân lạnh có đáng lo?
Con sốt: Nên làm gì, tránh chi?
Nội dung được tư vấn bởi BSCKI Nguyễn Hữu Thảo Trưởng khoa Hồi sức Tích cực và Chống độc - Bệnh viện Sản Nhi Vĩnh Phúc Phòng khám: - Cơ sở 1: Thị Trấn Lập Trạch, huyện Lập Trạch, Vĩnh Phúc (hotline: 0989555035). - Cơ sở 2: 51B Phùng Quang Phong, phường Liên Bảo, TP Vĩnh Yên (hotline: 0983666520). - Cơ sở 3: Phố Me, thị Trấn Hợp Hòa, huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc (hotline: 0342434013). |
Nếu bạn đang công tác trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em và có câu chuyện muốn chia sẻ với Đi Cùng Con, xin vui lòng gửi về địa chỉ email chiase@dicungcon.vn. Mỗi đóng góp của bạn sẽ giúp ích cho rất nhiều cha mẹ trên hành trình nuôi dạy con. |