
Những tiếng ê a đầu đời của bé là món quà tuyệt vời bố mẹ nào cũng mong chờ. Để con sớm làm chủ ngôn ngữ, việc tạo ra môi trường giao tiếp tích cực rất quan trọng.
Mỹ Khanh
Ngôn ngữ của trẻ được hình thành và phát triển chủ yếu thông qua giao tiếp. Trẻ em là những nhà bắt chước tài tình. Khi được tiếp xúc với ngôn ngữ hàng ngày qua việc trò chuyện, đọc sách, hát… trẻ sẽ tự nhiên bắt chước cách phát âm, cấu trúc câu và từ vựng của người lớn. Cũng thông qua giao tiếp, trẻ cảm thấy được yêu thương, quan tâm và có động lực khám phá thế giới.
Để con khám phá thế giới ngôn ngữ một cách hiệu quả, bố mẹ hãy cùng tìm hiểu một số mẹo nhỏ nhưng vô cùng hữu ích dưới đây nhé.
Trò chuyện với con thường xuyên
Trò chuyện hàng ngày không chỉ giúp bé làm quen ngôn ngữ, mà còn tạo ra một mối quan hệ gắn kết giữa bố mẹ và con cái. Qua những cuộc trò chuyện, bé học được cách giao tiếp, thể hiện cảm xúc và xây dựng tư duy.
Bố mẹ có thể trò chuyện khi cho bé ăn, tắm, chơi hoặc trước khi đi ngủ. Khi nói chuyện, hãy nhìn thẳng vào mắt con để bé cảm nhận được sự quan tâm. Ban đầu, hãy sử dụng những câu ngắn, đơn giản với từ ngữ dễ hiểu và giọng điệu vui vẻ. Dần dần, bạn có thể tăng độ phức tạp của câu nói.

Lặp lại những từ ngữ và câu mà bạn muốn bé học nhiều lần. Điều này giúp bé ghi nhớ từ vựng một cách tự nhiên. Ngoài ra, thay vì hỏi những câu “có” hoặc “không”, hãy đặt những câu hỏi mở để khuyến khích con nói nhiều hơn như “Con thích ăn loại quả nào nhất?”, “Con muốn chơi trò gì nào?”...
Khi đang cho bé ăn, bạn cũng có thể nói “Con đang ăn cơm đó. Con thích ăn cơm không?”, sau đó hỏi tiếp “Con muốn ăn thêm món gì nữa không? Cá, thịt hay rau nào?”...
Đọc sách cùng con
Việc đọc sách không chỉ giúp bé làm quen với chữ viết, mà còn mở rộng vốn từ vựng và phát triển trí tưởng tượng. Trong khi đọc, bố mẹ hãy đặt câu hỏi về nội dung câu chuyện để kích thích bé suy nghĩ, đồng thời thay đổi giọng điệu để tạo sự hứng thú. Bạn có thể giả giọng các nhân vật trong truyện hoặc nhấn mạnh những từ quan trọng.
Một số loại sách bố mẹ có thể chọn để đọc cho con gồm: Sách tranh (có nhiều hình ảnh sinh động, giúp bé dễ dàng hình dung nội dung câu chuyện); sách vải (chất liệu mềm mại, an toàn cho bé và rất thích hợp để cầm nắm); sách âm thanh (có âm thanh kết hợp hình ảnh để bé vừa đọc vừa nghe); sách tương tác (có các nút bấm, cửa sổ bật mở giúp bé khám phá và tương tác với sách).

Sử dụng từ ngữ phong phú đa dạng
Khi trò chuyện với bé, thay vì lặp lại những từ quen thuộc, bố mẹ hãy thử lồng ghép những từ mới và diễn đạt bằng nhiều cách. Điều này không chỉ giúp bé mở rộng vốn từ, mà còn kích thích sự tò mò và trí tưởng tượng. Ví dụ khi nói về một quả táo, bạn có thể mô tả “Quả táo này tròn trịa, căng mọng, có màu đỏ tươi và khi cắn thì giòn ngọt”.
Việc sử dụng các từ miêu tả sinh động sẽ giúp bé hình dung rõ hơn về những gì bạn đang nói, từ đó ghi nhớ từ vựng một cách tự nhiên. Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng các từ đồng và trái nghĩa để giúp bé hiểu sâu hơn về ý nghĩa của từ. Ví dụ, thay vì chỉ nói “lớn”, bạn có thể nói “khổng lồ” hoặc “to đùng”.

Ngoài ra, khi giới thiệu cho con từ mới, hãy cố gắng kết hợp nó với hình ảnh cụ thể hoặc hành động. Ví dụ, khi giới thiệu về “quả bóng”, bạn có thể lấy một quả bóng và nói “Đây là quả bóng. Quả bóng có hình tròn”.
Phát huy sở thích của con
Bạn có bao giờ nhận thấy con hào hứng thế nào khi nói về những điều mình thích? Đó có thể là chiếc ôtô đồ chơi, những con búp bê xinh xắn hay đơn giản chỉ là một chú mèo nhỏ trong xóm. Việc khai thác và phát huy những sở thích chính là cách tuyệt vời để giúp con nhanh chóng làm chủ ngôn ngữ. Khi say mê về một chủ đề nào đó, bé sẽ tự nhiên muốn chia sẻ và nói về nó nhiều hơn. Lúc này, bố mẹ hãy trở thành bạn đồng hành, lắng nghe và khuyến khích con.

Ví dụ, nếu bé thích khủng long, hãy cùng bé đọc sách, xem phim hoạt hình về khủng long hoặc kể những câu chuyện thú vị về loài vật này. Bạn cũng có thể hỏi bé “Con thích loài khủng long nào nhất?”, “Con biết gì về khủng long bạo chúa?”, “Con có biết tại sao khủng long lại tuyệt chủng không?”... Qua những câu hỏi này, bé sẽ có cơ hội sử dụng ngôn ngữ để diễn đạt suy nghĩ và cảm xúc của mình.
Trở thành “biên dịch viên” cho con
Trẻ thường có một thế giới riêng với những từ ngữ và cách diễn đạt rất đáng yêu. Đôi khi, những câu nói ngây thơ khiến chúng ta bật cười, nhưng cũng có lúc khiến chúng ta băn khoăn không hiểu bé muốn nói gì. Để giúp bé tự tin thể hiện bản thân và phát triển ngôn ngữ một cách tự nhiên, bố mẹ hãy trở thành những “biên dịch viên”.
Khi con còn nhỏ, việc diễn đạt suy nghĩ và cảm xúc bằng lời nói sẽ hạn chế. Bé thường sử dụng những âm thanh, điệu bộ hoặc chỉ tay vào đồ vật để giao tiếp. Lúc này, bố mẹ chính là bạn đồng hành đắc lực, giúp bé “dịch” những thông điệp đó thành câu nói hoàn chỉnh.

Ví dụ, khi bé chỉ tay vào một chú chó, bố mẹ có thể hỏi “Con muốn nói là con thấy một chú chó rất dễ thương đúng không nào? Chú chó này có bộ lông màu đen óng mượt và đôi mắt tròn xoe”. Bằng cách này, bố mẹ vừa giúp bé hiểu rõ hơn về ngôn ngữ, vừa khuyến khích bé sử dụng từ phong phú hơn.
Việc trở thành “biên dịch viên” còn giúp bố mẹ hiểu rõ hơn về suy nghĩ và cảm xúc của con. Từ đó, bố mẹ có thể xây dựng một mối quan hệ gần gũi và tin tưởng với con. Khi con cố gắng giao tiếp, hãy khen ngợi để tạo động lực, giúp con cảm thấy tự tin và muốn nói nhiều hơn.
Theo Zerotothree.org