
Việc mặc tã cho bé tưởng chừng đơn giản nhưng với những bé hiếu động, trải nghiệm này sẽ khá tốn sức với cả bố mẹ và con.
Phương Trần
Với các bố mẹ, trải nghiệm nào khi nuôi con khiến mọi người sợ hãi nhất? Với tôi chắc là khi thay tã cho con. Vợ chồng tôi sống xa ông bà nên việc chăm sóc, nuôi dạy 3 đứa trẻ đều do 2 vợ chồng tự phân công nhau. Chồng đi làm nhân viên văn phòng, trong khi tôi có công việc kinh doanh tại nhà vừa để tăng thu nhập, vừa tiện chăm sóc khi con còn bé, chưa đi nhà trẻ được.
Vì kết hợp vừa làm vừa chăm con nên tôi luôn cố gắng làm mọi việc nhanh nhất để tiết kiệm thời gian. Tuy nhiên, tôi gặp khá nhiều khó khăn với việc thay tã. Thay tã quá muộn khiến con bị hăm, đóng lệch tã khiến con bị tràn ra bỉm, hay thay tã quá lâu khiến con tè ra giường… là một vài trong rất nhiều khoảnh khắc éo le tôi từng gặp. Sang bé thứ 3, tôi khá tự tin chia sẻ cho các bố mẹ một số kinh nghiệm thay tã nhanh chóng, đúng cách và không bị hăm.

Chuẩn bị: Trước tiên, bố mẹ cần chuẩn bị sẵn một số đồ dùng cần thiết: Tã/bỉm mới để thay, khăn sạch thấm nước, khăn khô, kem hăm (nếu bé bị hăm), thảm thay bỉm. Khi chuẩn bị tã mới thì nên xác định trước thông tin mặt trước, mặt sau, tránh đeo nhầm dẫn đến tràn bỉm. Thông thường mặt trước của tã sẽ in dòng chữ thương hiệu, mặt sau có dải băng dán màu xanh.
Thao tác lau rửa: Khi thay, bố mẹ đặt bé nằm trên thảm chống thấm đề phòng bé tè, ị trong lúc thay; sau đó nhẹ nhàng nâng mông và lật nghiêng người bé để cởi tã cũ ra, hoặc cách nhanh hơn là xé 2 cạnh bên của tã. Sau đó, bố mẹ dùng khăn mềm thấm nước làm sạch vùng mông, đùi và 2 bẹn của bé.
Với bé đang bú mẹ và chưa ăn dặm, phân thường có dạng hạt hoa cà hoa cải và ít bết. Kinh nghiệm của tôi là dùng giấy vệ sinh khô dặm nhẹ một lượt để lấy đi phân dính trên mông bé, sau đó lau lại bằng khăn nhúng nước ấm 38-40 độ C. Tiếp đó, tôi lau khô lại bằng khăn sạch, tránh da ẩm đã mặc tã sẽ dễ hăm.
Mặc tã: Khi thay tã mới cho bé, bố mẹ đưa 2 tay vào 2 ống của tã, sau đó nhẹ nhàng tóm và luồn 2 chân bé vào, từ từ kéo tã lên đến rốn bé. Thay xong, mẹ nên kiểm tra để chắc chắn tã ôm sát cơ thể, hạn chế bị xô lệch và tràn bỉm. Có thể dùng tay kéo thử phần chun tã xem có siết quá chặt vào đùi bé không để điều chỉnh cho phù hợp.
Đặc biệt với các bé trai, mẹ phải đảm bảo phần hạ bộ của bé trai ở vị trí đáy tã, giữa 2 vách chống tràn và hướng xuống dưới. Nếu như phần này hướng lên trên thì có thể xảy ra trường hợp bị tràn.
Xử lý tã bẩn: Với tã bẩn, bố mẹ nên bỏ hết chất bẩn vào bồn cầu. Cuộn tròn tã và dùng miếng băng dán màu xanh ở mặt sau để dán cố định. Sau đó, cho tã vào túi rác nhỏ để loại bỏ mùi và bỏ vào thùng rác bình thường.
Nếu bạn đang công tác trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em và có câu chuyện muốn chia sẻ với Đi Cùng Con, xin vui lòng gửi về địa chỉ email chiase@dicungcon.vn. Mỗi đóng góp của bạn sẽ giúp ích cho rất nhiều cha mẹ trên hành trình nuôi dạy con. |