
Khi được chẩn đoán rau bám thấp, nhiều mẹ bầu sẽ cảm thấy lo lắng vì ít nghe đến thuật ngữ này.
Mẹ Chi Chi

Có lần, tôi vô tình đọc được chia sẻ của một mẹ bầu trên hội nhóm rằng chị ấy bị xuất huyết nhiều ở tuần 32 do rau bám thấp và phải nhập viện khẩn cấp. Cho là tình trạng hiếm gặp, tôi không để tâm. Nhưng khi bước vào cuối tam cá nguyệt thứ 2, tôi “tá hỏa” khi thấy quần lót xuất hiện đốm máu. Thăm khám cùng bác sĩ, nỗi lo nhân lên khi tôi được chẩn đoán rau bám thấp.
Rau bám thấp là gì?
Thông thường, nhau thai sẽ bám ở đáy tử cung để thực hiện tốt chức năng vận chuyển oxy và chất dinh dưỡng đến thai nhi. Trường hợp nhau thai không bám ở đáy tử cung mà nằm ở phần dưới, gần cổ tử cung (khoảng cách từ mép bánh nhau đến lỗ trong cổ tử cung nhỏ hơn 2 cm) được gọi là nhau bám thấp hay còn gọi là rau bám thấp. Tình trạng này là dạng nhẹ của nhau tiền đạo.
Biến chứng của rau bám thấp
Nghe đến rau bám thấp, nỗi lo lớn nhất của nhiều mẹ bầu là: “Liệu có nguy hiểm không?”. Theo giải thích của bác sĩ, nếu nhau thai không dịch chuyển lên cao theo sự phát triển của tử cung, mẹ bầu có thể bị xuất huyết nghiêm trọng trong thai kỳ hoặc khi chuyển dạ, gây nguy hiểm cho hai mẹ con. Ngoài xuất huyết, rau bám thấp còn làm tăng nguy cơ sinh non, do tử cung có thể kích thích cơn co bóp sớm khi nhau thai bị kéo căng.
Bác sĩ cho biết xuất huyết âm đạo không đau là một trong những dấu hiệu điển hình. Ngoài ra, mẹ bầu đau bụng hoặc co thắt tử cung; có ngôi thai bất thường... đều có thể là dấu hiệu của rau bám thấp. Tuy nhiên, vấn đề này không có nguyên nhân chính xác, chỉ có một số yếu tố làm tăng nguy cơ, bao gồm mẹ bầu từng sinh mổ khiến vết sẹo trên tử cung ảnh hưởng đến vị trí bám của nhau thai; mang thai nhiều lần; hút thuốc hoặc sử dụng chất kích thích dẫn đến suy giảm tuần hoàn máu đến nhau thai; mang song thai hoặc đa thai...
Làm gì khi bị rau bám thấp?
Sau khi nghe bác sĩ trấn an và dặn dò, tôi bắt đầu trao đổi về cách điều trị. Tuỳ mức độ xuất huyết và sự phát triển của thai nhi, bác sĩ sẽ đề xuất các phương pháp điều trị phù hợp. Nếu mẹ bầu xuất huyết nặng, bác sĩ sẽ đề nghị nhập viện để theo dõi. Dựa trên lượng máu mất, bác sĩ có thể đề xuất truyền máu hoặc sử dụng thuốc để ngăn chuyển dạ sớm.
Vì tôi chỉ xuất huyết ít, bác sĩ cho phép tôi nghỉ ngơi tại nhà. Tôi bắt đầu điều chỉnh lối sống như hạn chế vận động mạnh, ngừng tập yoga, đi bộ ít hơn để giảm áp lực lên tử cung. Mỗi ngày, tôi theo dõi cẩn thận dấu hiệu chảy máu và kiêng quan hệ vợ chồng để tránh kích thích tử cung co bóp gây xuất huyết. Cẩn thận hơn, tôi tránh việc đi xe máy, đi đường xa hoặc đường gồ ghề.
Khi bước vào tuần 35, tôi siêu âm lại và vỡ òa khi bác sĩ nói: "Nhau thai đã dịch chuyển lên cao, không còn che cổ tử cung nữa". Thật may khi sau bao nhiêu lo lắng, tôi có thể yên tâm chuẩn bị cho một cuộc sinh thường.
Không phải mẹ bầu nào bị rau bám thấp cũng có diễn biến giống nhau, nhưng qua trải nghiệm này, tôi nhận ra rằng việc bình tĩnh theo dõi và tuân thủ hướng dẫn bác sĩ là vô cùng quan trọng. Đừng hoảng sợ ngay khi nhận được kết quả siêu âm, vì cơ thể mẹ bầu luôn thay đổi và thích nghi một cách kỳ diệu để chào đón sự ra đời của bé cưng!
"Từ điển làm mẹ" là thế giới "từ mới" và "thuật ngữ" chỉ những người làm mẹ mới hiểu. Nếu bạn đã, đang và sắp bước vào hành trình đảm nhiệm thiên chức thiêng liêng, hãy chia sẻ "từ điển" thú vị của riêng mình cùng cộng đồng mẹ bầu Đi Cùng Con. Đừng ngần ngại gửi về địa chỉ email chiase@dicungcon.vn. Mỗi đóng góp của bạn đều rất quý giá và sẽ giúp ích cho rất nhiều người đấy! |